• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Chính quyền cấp giấy hồng sai, dân gánh hậu quả

Mua nhà có giấy hồng, phù hợp quy hoạch đất ở, thực hiện qua thủ tục công chứng được xem là nguyên tắc vàng để đảm bảo an toàn cho người mua. Thế nhưng vẫn có những người mua nhà ngay tình, hợp pháp lại rủi ro bởi mãi sau này mới được thông báo: Giấy chứng nhận (GCN) cấp cho người trước có sai sót.

Bị vịn GPXD vì giấy hồng quên ghi thông hành địa dịch

Ông Lê Văn Đạt, chủ căn nhà 23/28/1 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh (Tp.HCM), cho hay ông đang khiếu nại Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận này về việc điều chỉnh giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ông. Theo ông Đạt, do GPXD cũ cấp cho người em của ông, trong khi nhà đã chuyển nhượng cho ông nên quận yêu cầu ông phải điều chỉnh để GPXD đúng tên ông. Đầu tháng 1-2011 ông nộp đơn xin điều chỉnh tên chủ sở hữu nhà trên GPXD, còn các nội dung xin phép khác vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, mãi đến tháng 7/2011, Phòng QLĐT quận này mới có công văn cho hay: Chờ ý kiến chỉ đạo của quận do có đơn phản ánh phần xây dựng nằm trên phần đất có thông hành địa dịch.

Điều đáng nói là căn nhà này đã qua ba đời giấy chủ quyền nhà. Các bản vẽ hiện trạng vị trí cấp cho người chủ trước, em ông Đạt rồi đến ông Đạt đều không thể hiện có phần thông hành địa dịch. Tuy nhiên, tới khi ông Đạt xin điều chỉnh GPXD thì bị vịn lại. “Nếu GCN của người chủ cũ trước kia có thể hiện thông hành địa dịch theo đúng quy định phải có thì chưa chắc em tôi đã mua căn nhà này hoặc không mua theo giá được đưa ra” - ông Đạt bức xúc. Quận Bình Thạnh đã giải thích thế nào? Người viết đã cố gắng liên lạc nhiều lần với lãnh đạo phòng QLĐT (đã được Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà đồng ý) nhưng tới nay chưa nhận được trả lời.

Hồi hộp do giấy cũ “lỡ sai”

Chuyện “xui xẻo” cũng xảy ra với ông Nguyễn Văn Hùng - chủ căn nhà 240 Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Năm 2008, ông mua căn nhà trên có qua công chứng, sau đó được UBND quận 7 cấp GCN. Một thời gian, ông bán lại căn nhà trên thì phòng công chứng cho hay: Sở Xây dựng Tp.HCM đã có công văn đề nghị tạm thời ngăn chặn giao dịch liên quan đến căn nhà này. Từ đó đến nay, ông không được quyền mua bán, thế chấp gì căn nhà trên dù đang là chủ sở hữu hợp pháp. Lý do Sở Xây dựng ngăn chặn là do căn nhà này nằm trong danh sách tám căn tại quận 7 bị cấp GCN sai. Đây là những căn nhà thuộc sở hữu nhà nước, lẽ ra phải giải quyết cấp giấy theo thủ tục mua hóa giá thì UBND quận 7 lại cấp GCN theo thủ tục hợp thức hóa nhà tư nhân. Người chủ trước sau khi có GCN đã bán nhà lại cho ông Hùng.

Xử lý trường hợp ông Hùng như thế nào? “Sở Xây dựng đã kiến nghị TP hướng xử lý, đối với nhà đã chuyển nhượng thì không thu hồi nhưng phải nộp tiền sử dụng đất để không thất thoát ngân sách” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho hay.

Tháng 4/2011, TP có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính giao UBND quận 7 rà soát pháp lý về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với tám căn nhà, trong đó có căn nhà của ông Hùng và báo cáo Sở Tài chính để phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định, đề xuất trình UBND TP. Như vậy, cũng chưa biết số phận căn nhà của ông Hùng sẽ ra sao, có bị thu hồi lại hay phải đóng tiền sử dụng đất để được công nhận. Và cho dù thuộc trường hợp nào đi nữa thì ông cũng rất thiệt thòi trong khi ông không hề có lỗi.

Tương tự, căn nhà trên đường Tú Xương do bà NTCN mua lại từ một căn nhà đã được cấp GCN bằng thủ tục mua hóa giá nhà thuộc sở hữu nhà nước. Gần đây, UBND quận 3 có văn bản thông báo thu hồi lại GCN cấp cho bà N., đề nghị bà N. làm lại thủ tục thuê nhà rồi mua hóa giá lại. Lý do: Quá trình bán hóa giá nhà cho người chủ cũ có sai sót về diện tích nhà khiến người chủ cũ được mua lố gần 15 m2. “Quận đề nghị sẽ gửi trả lại tôi số tiền mà người chủ cũ đã trả cho phần diện tích mà quận nói là bán sai. Nhưng số tiền đó rất ít, còn tôi khi mua nhà là phải theo giá thị trường” - bà N. bức xúc. Không đồng ý với cách giải quyết, bà N. làm đơn khiếu nại quyết định thu hồi GCN của quận này.

Những vụ kể trên đến nay chưa có vụ nào có kết quả. Và cũng chưa chắc có gì hứa hẹn kết quả giải quyết sẽ thuận lợi cho người đã lỡ mua những tài sản này.

Buộc dân sửa sai - ép người quá đáng?

Nhằm quản lý nhà nước được chặt chẽ, pháp luật đặt ra yêu cầu việc chuyển nhượng nhà đất chỉ được thực hiện khi có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp. Thủ tục chuyển nhượng phải thực hiện tại cơ quan công chứng. Sau đó, hai bên mua bán kê khai nộp thuế tại cơ quan thuế và làm thủ tục đăng bộ tại UBND quận, huyện. Những yêu cầu nghiêm ngặt này được đặt ra cũng nhằm bảo đảm an toàn cho các bên trong giao dịch mua bán. Một khi thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ thì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân tất nhiên cũng sẽ được Nhà nước bảo vệ.

Thế nhưng với những trường hợp trong bài báo nêu, người mua đã hoàn toàn thực hiện đúng quy định pháp luật. Vậy mà quyền lợi hợp pháp của họ lại đang bị treo lơ lửng đó, thậm chí có thể bị xâm hại. Điều vô lý ở chỗ họ lâm nạn không phải do mình có lỗi hay bên bán lừa gạt mà do sự tắc trách của cơ quan nhà nước khi cấp giấy chứng nhận cho người chủ trước. Đúng ra, họ - những người mua ngay tình, hợp pháp phải được người làm sai, tức cơ quan cấp giấy xin lỗi và được giải quyết thấu đáo những phiền toái. Chưa thấy các cơ quan này khắc phục lỗi do mình gây ra như thế nào, trước mắt chỉ thấy những người mua đang phải vất vả khiếu nại, cầu cứu khắp nơi để “xin” được thực hiện các quyền lẽ ra đương nhiên là của mình như xây dựng, mua bán, thế chấp...

Sự sai sót do tắc trách của cơ quan nhà nước là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải tự giải quyết, khắc phục những sai sót của mình. Nhà nước làm sai nhưng bắt người dân phải gánh chịu, để họ chờ đợi mỏi mòn, không phải vài tháng mà có khi vài năm, đến khi giải quyết thì lại buộc người dân sửa sai, thử hỏi đó có phải là “ép người quá đáng” không?

Nguyễn Hà

Cỡ nào thì bên mua cũng bị thiệt

Trong những sự vụ như thế này, bên mua không thể kiện bên bán, bởi bên bán giao dịch hợp pháp khi họ được cấp GCN, trừ phi bên bán có yếu tố lừa dối mà bên mua chứng minh được.

Thiệt hại của bên mua là do cơ quan cấp giấy làm sai. Do đó, cơ quan cấp giấy phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên mua. Không thể vịn lý do chuyện làm sai là của những cán bộ “đời trước” nên “đời sau” không chịu trách nhiệm, bởi vị nào cấp đi nữa thì vẫn là nhân danh nhà nước.

Tuy vậy, cái khó là việc bồi hoàn của Nhà nước thường ít tương xứng với thực tế. Chẳng hạn, khi thu hồi lại phần diện tích cấp sai (hoặc cả căn nhà) thì cơ quan nhà nước chỉ trả lại cho bên mua số tiền nhà bên bán đã nộp khi mua hóa giá nhà thuộc sở hữu nhà nước. Số tiền này thường rất thấp. Do đó, bên mua cũng sẽ bị thiệt.

Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư Tp.HCM

(Theo PLTP)

  • 0
  • By Admin
  • 29/08/2011
  • 17