Tp.HCM: Cao ốc đang lấn nhà cổ
Trong khi đó, việc bảo vệ các công trình kiến trúc cổ dù đã đặt ra từ nhiều năm qua nhưng hiện nay vẫn còn trong giai đoạn... nghiên cứu.
Mất dần
Các đơn vị đang thuê mặt bằng tại số 8-12 Lê Duẩn (P.Bến Nghé, Q.1) đã được cơ quan chức năng thông báo di dời để bàn giao mặt bằng lại cho đơn vị quản lý (Công ty Quản lý kinh doanh nhà Tp.HCM) chậm nhất là ngày 30/6/2011. Hiện một số công ty thuê mặt bằng này đã di chuyển, số còn lại cũng đang có kế hoạch di dời.
Bên ngoài là những hàng rào tôn bao bọc xung quanh khu đất, chuẩn bị cho việc xây dựng công trình mới. Thông tin cho biết tại “khu đất vàng” có diện tích trên 4.950m2 này sẽ xây dựng nhiều khối công trình, trong đó khối cao nhất khoảng 30 tầng.
Bên trong khu đất trên hiện có hai công trình, một công trình bốn tầng tại số 8 Lê Duẩn (góc đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng) và công trình tại số 12 Lê Duẩn cao hai tầng. Việc phá dỡ hai công trình này đã được cơ quan thẩm quyền TP thông qua, dù vậy vẫn còn ý kiến khác nhau. Đối với công trình bốn tầng tại số 8 Lê Duẩn, một kiến trúc sư (KTS) có nhiều năm trong nghề cho rằng ông cảm thấy tiếc khi phải phá dỡ.
Đây là công trình được xây dựng từ những năm 1960 với các lam “điều tiết nhiệt” đặc trưng, tiêu biểu cho phong trào “kiến trúc xanh”, tiết kiệm năng lượng mà thế giới đang cổ xúy. Khi hay tin công trình chuẩn bị tháo dỡ, những ngày qua ông đã nhiều lần tới đây để chụp ảnh, lưu giữ lại kiến trúc công trình.
Áp lực giữa phát triển và bảo tồnTrao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Hòa - phó thường trực Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc Tp.HCM - cho biết sắp tới sẽ khảo sát một số khu vực có các công trình kiến trúc đặc trưng để đưa vào danh sách kiểm soát và xây dựng các tiêu chí về bảo tồn. Căn cứ các tiêu chí này, hội đồng về kiến trúc quy hoạch sẽ xem xét, đề xuất TP quyết định công trình tại khu vực đó có được phép tháo dỡ hay không.Ông Hòa nói trước mắt có thể xem xét, đưa một số khu vực vào danh sách cần nghiên cứu bảo tồn như mảng biệt thự Q.3, khu phố cổ Chợ Lớn, cụm kho bãi nhà xưởng ở Q.4, Q.8... Cố gắng cuối năm nay Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc Tp.HCM sẽ hoàn chỉnh danh sách một số khu vực. Tuy nhiên, ông Hòa cũng thừa nhận TP đang phải chịu áp lực giữa phát triển và bảo tồn nhưng việc dung hòa giữa hai vấn đề này là không dễ. |
Một KTS chuyên nghiên cứu nhiều công trình kiến trúc cổ cũng nhận định công trình trên là loại kiến trúc nhiệt đới tiêu biểu. Năm 1996, công trình từng được đưa vào danh sách các công trình cần nghiên cứu để bảo tồn cảnh quan kiến trúc Tp.HCM.
Riêng với công trình số 12 Lê Duẩn, một thành viên Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TP cho rằng công trình này không có nhiều thông tin nhưng qua nghiên cứu cho thấy đây là công trình kiến trúc giả cổ. Nhưng một KTS khác nói đây là công trình kiến trúc xây từ thời Pháp, qua quá trình sử dụng có sửa chữa nên đã biến dạng so với ban đầu. Ông đề xuất nên giữ lại công trình. “Nếu xây quá nhiều cao ốc trên tuyến đường này thì kiến trúc của Sài Gòn cũ sẽ bị xóa nhòa” - ông nói.
Tại địa chỉ 32 Trần Quốc Thảo (P.7, Q.3), một công trình mới cũng đang mọc lên thay cho căn biệt thự cổ được phá dỡ từ cuối năm 2010. Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Sở Xây dựng TP, công trình mới quy mô ba tầng với tổng diện tích sàn xây dựng gần 4.200m2. Công trình dự kiến hoàn thành cuối năm nay và đây sẽ là trụ sở mới của Hội Liên hiệp phụ nữ Tp.HCM.
KTS Nguyễn Khởi cho hay căn biệt thự tại địa chỉ trên mang phong cách kiến trúc Pháp, xây dựng khoảng đầu thế kỷ 20 và được một số tạp chí chuyên ngành chọn giới thiệu. Theo tìm hiểu, biệt thự này cũng được giới thiệu trong cuốn sách Sài Gòn 1698-1998 kiến trúc quy hoạch xuất bản năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Tp.HCM.
Quyết định bất nhất
Hai biệt thự tại số 64-68 Trần Quốc Thảo (Q.3) đã được Công ty TNHH đầu tư kinh doanh nhà Thảo Loan (viết tắt Công ty Thảo Loan) mua đấu giá từ năm 2004. Dù chưa có ý kiến cơ quan chức năng nhưng cuối năm 2009, Công ty Thảo Loan đã tháo dỡ khu biệt thự để xây dựng công trình mới, UBND P.7 đã lập biên bản yêu cầu ngưng tháo dỡ.
Tháng 11/2009, Sở Quy hoạch - kiến trúc có công văn cho biết qua khảo sát và phân tích hiện trạng khu vực, cơ quan này nhận thấy hai biệt thự tại địa chỉ trên có hình thức đặc trưng, nằm trong cụm biệt thự cũ của Q.3, có khả năng nghiên cứu bảo tồn. Trước mắt chỉ nên nâng cấp, sửa chữa công trình theo hiện trạng.
Việc tháo dỡ chỉ thực hiện sau khi đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 và quy chế quản lý kiến trúc khu đô thị trung tâm hiện hữu mở rộng được duyệt. Theo quy định, việc thay đổi hiện trạng công trình đặc trưng như trên phải do UBND TP quyết định. Ngày 19/1/2010, UBND TP có công văn chấp thuận đề xuất trên của Sở Quy hoạch - kiến trúc và giao Sở Xây dựng TP, UBND Q.3 kiểm định chất lượng hai biệt thự, báo cáo UBND TP.
Thế nhưng, trước đó ngày 8/1/2010, Sở Xây dựng TP đã có công văn cho tháo dỡ khẩn cấp hai biệt thự trên do công trình xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ. Hai biệt thự này cũng không nằm trong danh mục các công trình nghiên cứu bảo tồn kiến trúc cảnh quan, theo thông báo của UBND TP. Tiếp đó, ngày 10/2/2010 UBND Q.3 ra quyết định cấp giấy phép xây dựng tạm tại địa chỉ trên. Ngày 30/3/2010, Sở Xây dựng lại có kiến nghị UBND TP giao UBND Q.3 thu hồi giấy phép tạm do quận này cấp.
Vụ việc kéo dài đến tháng 9/2010 khi Sở Xây dựng TP có văn bản báo cáo vụ việc với UBND TP thì hai biệt thự trên đã được tháo dỡ xong. Hiện tại trong khuôn viên địa chỉ trên là công trình mới đã xây xong, dùng làm nhà mẫu giới thiệu căn hộ mẫu dự án chung cư của Công ty Thảo Loan.
Bao giờ bảo tồn?
Năm 1996, ông Mai Quốc Bình, ủy viên UBND Tp.HCM, đã ký thông báo số 46 về việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP. Thông báo khẳng định: Trước mắt tạm xác định 108 đối tượng đã được chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đưa vào danh mục và sớm soạn thảo quy chế tạm thời để thực thi công tác trên.
KTS Lê Quang Ninh, một trong những người tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết danh sách 108 công trình bảo tồn gần như là danh sách đầu tiên và duy nhất (đến thời điểm này) đề cập việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TP. Về nguyên tắc, để danh sách này có hiệu lực thi hành, TP phải ban hành quy chế nhằm pháp lý hóa các công trình cần bảo tồn. Nhưng đến thời điểm này, sau 15 năm kể từ ngày có thông báo 46, TP vẫn chưa ban hành quy chế nào về vấn đề này.
Thực tế có nhiều công trình thuộc danh sách bảo tồn cảnh quan kiến trúc đã hoặc đang có kế hoạch tháo dỡ: Cầu Sở Thú, cầu Ông Lãnh, khu nhà góc đường Hai Bà Trưng - Lê Duẩn (Q.1), cầu Chà Và (Q.5)... Riêng cụm biệt thự Q.3 nằm trong mảng cảnh quan tiêu biểu thuộc danh sách trên nhưng số lượng biệt thự còn lại đang ít dần.
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, để bảo vệ các công trình cổ có giá trị, TP nên lập hội đồng nghiên cứu về kiến trúc đô thị. Hội đồng này làm nhiệm vụ thống kê, đánh giá cũng như xây dựng các tiêu chí đối với những công trình kiến trúc cần bảo tồn. Từ đó tạo ra quỹ kiến trúc đô thị, tùy theo tính chất mỗi công trình mà đề xuất công trình cần bảo tồn cấp quốc gia hay TP.
(Theo TTO)
- 0
- By Admin
- 13/06/2011
- 17