• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

TpHCM: Cân nhắc nhiều phương án chuyển đổi công năng biệt thự

Nhiều nghiên cứu về biệt thự

Quản lý biệt thự có giá trị kiến trúc đã được bàn tới ở Tp.HCM từ hàng chục năm trước. Trong giai đoạn 1996-1998, nhân kỷ niệm Sài Gòn - Tp.HCM 300 năm tuổi, UBND Tp.HCM đã yêu cầu Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP cùng Trung tâm Khoa học xã hội Nhân văn thu thập tư liệu về các công trình kiến trúc có giá trị ở Tp.HCM, trong đó có các biệt thự để phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Kiến trúc sư Lê Quang Ninh, một cán bộ chủ chốt trong tổ công tác này, cho biết, nhiệm vụ đã được triển khai với nhiều nghiên cứu rất cụ thể và chi tiết. 108 công trình kiến trúc, trong đó có nhiều biệt thự có giá trị đã được tổng hợp và đánh giá. Nghiên cứu được UBND Tp.HCM đánh giá cao và được sử dụng làm tài liệu cho rất nhiều công trình khảo cứu về bảo tồn sau này.

Cách nay hơn 3 năm, Sở QH-KT Tp.HCM có thêm một nghiên cứu khác về biệt thự khi xây dựng quy chế quản lý biệt thự trên địa bàn TP. TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, Giám đốc Sở QH-KT thời ấy, cho biết, nghiên cứu của Sở QH-KT khá bài bản, hướng quản lý các biệt thự này như thế nào đã được đề xuất rất chi tiết. Ví dụ, cải tạo biệt thự cũ đơn lẻ không nên xây thêm quá cao. Trường hợp có nhiều biệt thự trong một khu vực thì một vài biệt thự có thể được xây cao nhưng phải hài hòa với cảnh quan xung quanh…

Quan điểm về tôn tạo các biệt thự của Sở QH-KT cũng khá rõ ràng, vì theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quản lý khu trung tâm TP thuộc Sở QH-KT Tp.HCM, việc cải tạo, chuyển đổi công năng của các biệt thự là quá trình tất yếu trong một đô thị đang phát triển mạnh mẽ như Tp.HCM. Đặc biệt, đối với khu trung tâm - nơi đất có giá trị rất cao, nếu sử dụng các biệt thự hàng trăm mét vuông chỉ để vài người ở hoặc vài chục người sẽ vô cùng xa xỉ. Bảo tồn các biệt thự không có nghĩa để làm... bảo tàng. Chỉ có một số công trình đặc biệt, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử lớn, được các nhà chuyên môn thừa nhận như Văn phòng UBND Tp.HCM, Dinh Thống Nhất, Nhà hát Tp.HCM... mới phải gìn giữ nguyên trạng, đúng chức năng.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo phân tích thêm, việc thay đổi công năng của biệt thự về nguyên tắc không sai luật do Thông tư 38/2009 về quản lý biệt thự trong đô thị của Bộ Xây dựng quy định “biệt thự có thể là nhà ở hoặc nhà được dùng vào mục đích khác”. Dự thảo quy chế quản lý biệt thự nêu trên đang được Sở QH-KT trình UBND Tp.HCM xem xét.

Cùng với Sở QH-KT, Sở Xây dựng đang thống kê số lượng các biệt thự trên địa bàn TP. Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện còn 10 trong tổng số 24 quận, huyện của Tp.HCM chưa có báo cáo về số lượng biệt thự trên địa bàn. Sở sẽ lưu ý các địa phương này để có thể trong tháng 9/2011 hoàn tất công tác thống kê. Xong động thái này, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở QH-KT phân loại biệt thự và đề xuất UBND Tp.HCM giải pháp quản lý.

Nhiều tranh cãi

Quay trở lại với “khu đất vàng” tại số 1 Lý Thái Tổ - nơi được cho là có khoảng 10 biệt thự đang tồn tại. Hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau ngay trong giới kiến trúc sư xung quanh vấn đề bảo tồn các biệt thự này. Kiến trúc sư Lê Quang Ninh cho rằng, nên bảo tồn các biệt thự vì chúng được xây dựng theo lối kiến trúc nhà riêng lẻ với khoảng không gian xanh rộng lớn khá tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển kiến trúc của Sài Gòn trước năm 1975. Biệt thự nào xuống cấp thì sửa chữa.

Trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết, UBND Tp.HCM đang cân nhắc đến nhiều phương án giải quyết “khu đất vàng” số 1 Lý Thái Tổ. Dự kiến tuần sau, UBND Tp.HCM sẽ có câu trả lời cụ thể.
Ngoài ra, “khu đất vàng” với nhiều cây xanh hàng chục tuổi này còn nằm trong quần thể mảng xanh nối từ các trường ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học tự nhiên sang Trường Lê Hồng Phong phía quận 5, tiếp nối công viên Âu Lạc đến khu biệt thự Lý Thái Tổ. Nguyên trước đây, thường được dùng để đón các đoàn khách ngoại giao cấp cao của Nhà nước và TPHCM. Do vậy, ít nhiều chúng có mang dấu ấn lịch sử.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư Tp.HCM, lập luận: Chùm biệt thự ở “khu đất vàng” không có giá trị về mặt kiến trúc mà giá trị nhất là mảng xanh của các cây cổ thụ cùng một số cây trồng khác. Do vậy, nên đầu tư mới và khai thác không gian này. Tuy nhiên, khai thác không có nghĩa xây các tòa nhà cao tầng, kéo thêm người đến ở và làm việc. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho rằng, tốt nhất là làm một công viên trong khu đất bởi khu vực này đang rất thiếu công viên. Các biệt thự hiện hữu có thể làm các nhà bảo tàng, các nhà văn hóa, nơi đọc sách… cho người dân. Tp.HCM có thể tham gia đấu thầu mua lại khu đất với rất nhiều lợi thế mà không một nhà đầu tư nào có được. Đó là lợi thế của nhà lập quy hoạch xây dựng cho khu đất.

TS Nguyễn Trọng Hòa nhận xét, để giải quyết một cách toàn diện vấn đề “bảo tồn hay không bảo tồn” các biệt thự, Tp.HCM cần nhanh chóng ban hành các quy định liên quan đến vấn đề này. Việc chuẩn hóa sẽ giúp công tác quản lý biệt thự minh bạch hơn, ít phải tranh cãi hơn.

(Theo SGGP)


  • 0
  • By Admin
  • 26/05/2011
  • 17