• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp.HCM: Các dự án nhà hát lớn làm mãi... chưa xong

Những dự án... trong mơ

Tp.HCM là đầu tàu về nhiều mặt của cả nước. Do vậy mức sống của cư dân cũng phải tương xứng với đầu tàu ấy. Thưởng thức văn hóa nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Thế nên, Tp.HCM đã triển khai thực hiện các dự án nhà hát nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

Có thể kể đến dự án Trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương được xây dựng tại rạp hát Hưng Đạo hiện hữu với kinh phí khoảng 70 tỷ đồng, có sân khấu trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại đủ sức phục vụ việc biểu diễn và giảng dạy.

Còn dự án rạp xiếc hiện đại được quy hoạch, xây dựng ở khu vực Phú Thọ, quận 11 kinh phí ước tính khoảng 400 tỷ đồng. Công trình này do một kiến trúc sư Việt kiều Bỉ thiết kế. Sân khấu có thể nâng lên, hạ xuống… đủ sức phục vụ các chương trình xiếc quy mô, hoành tráng và cả các loại hình nghệ thuật khác. Nơi đây còn có khu vực để các diễn viên xiếc luyện tập và đào tạo diễn viên trẻ.

Còn địa điểm dành cho loại hình nghệ thuật hàn lâm là Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch Tp.HCM được dự kiến di dời từ đường Lê Duẩn về Công viên 23/9 cho rộng rãi, thoáng đãng. Sau lại được chuyển địa điểm về… Thủ Thiêm. Công trình này dự kiến được xây dựng cũng rất quy mô, kinh phí lên đến cả ngàn tỷ đồng… Với những dự án mang dấu ấn thời đại như thế, ai ai cũng mừng thầm. Rồi đây, Tp.HCM sẽ có những công trình văn hóa phục vụ cộng đồng xứng tầm một thành phố năng động, hội nhập và phát triển. Vậy mà…

Thực tế đáng buồn

Đến nay, những dự án nhà hát hoành tráng, hiện đại vẫn nằm trên giấy, còn thực tế những khu quy hoạch xây dựng các công trình này để trống hoặc cho thuê mướn kinh doanh đủ thứ gây bức xúc trong dư luận, do lãng phí kéo dài!

Điểm “văn hóa” đầu tiên là dự án rạp xiếc nằm trên đường Lữ Gia, quận 11, Tp.HCM. Khu dự án này nằm ngay mặt tiền đường Lữ Gia với tổng diện tích khoảng 6.500m² đang được cho thuê làm điểm giữ ô tô và kinh doanh trò chơi thiếu nhi. Năm 2006, khu đất này được bàn giao cho Đoàn xiếc Tp.HCM quản lý và đơn vị này đã cho thuê với giá vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng sau vài tháng, Đoàn xiếc Tp.HCM giao Ban Quản lý dự án của Sở VH-TT và DL TPHCM và mặt bằng này được cho thuê mướn kinh doanh đến nay.

Tại rạp hát Hưng Đạo, nơi vừa được tháo dỡ để xây dựng mới thành Trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương của Tp.HCM nằm ở góc đường Nguyễn Cư Trinh và Trần Hưng Đạo, quận 1. Thế nhưng, công trình xây dựng đâu không thấy, chỉ là một quán nhậu nằm trong khuôn viên dự án.

Một người dân sống gần khu vực này cho biết: “Sau khi rạp hát Hưng Đạo được tháo dỡ, nơi đây liền biến thành quán nhậu đêm. Việc xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương chắc phải chờ dài cổ! Trước giờ tôi sống ở đây có rạp hát quen rồi, mấy tháng nay không có hát hò, chỉ có nhậu nhẹt la ó om sòm, thiệt là buồn ghê!”…

Bao giờ có được những “thánh đường”?

Có lẽ, đây là câu hỏi của rất nhiều người chứ không riêng gì giới nghệ sĩ sân khấu. Nhưng trên thực tế, đến giờ tất cả những dự án cũng chỉ là dự án, bởi đến nay chưa có bất kỳ dự án nào được khởi công xây dựng. Ngay như Trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương, nơi được thành phố rất quan tâm đôn đốc thực hiện để kịp hoàn thành vào năm 2012, nhưng đến giờ cũng chưa động đậy gì.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết, nếu tất cả các công việc đều thuận lợi, công trình này sẽ được khởi công sớm nhất sau Tết Nguyên đán. Điều này đồng nghĩa với việc công trình khó hoàn thành đúng tiến độ như thành phố đề ra.

Còn với dự án xây dựng cơ sở vật chất Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch Tp.HCM ở Thủ Thiêm, trong một cuộc trao đổi với chúng tôi trước đây, Giám đốc Sở VH-TT và DL Tp.HCM Nguyễn Thành Rum cho biết: “Sắp tới sẽ tổ chức thi thiết kế quốc tế để chọn ra mẫu thiết kế tốt nhất”. Đồng thời, đây cũng là một trong những công trình văn hóa mà Đảng bộ Tp.HCM đã đưa vào nghị quyết để thực hiện trong nhiệm kỳ này. Cho nên khi nghe như thế, ai nấy điều kỳ vọng dự án sẽ sớm được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm trôi qua nhưng dự án này vẫn chưa được tổ chức thi thiết kế quốc tế thì nói chi đến việc khởi công xây dựng. Niềm hy vọng có được “thánh đường” cho hoạt động văn hóa còn quá xa vời!

Riêng với dự án rạp xiếc ở quận 11 - công trình được thiết kế khá sớm, nhưng đến giờ cũng vẫn còn mù mờ, chưa biết khi nào các nghệ sĩ mới có được cơ sở đúng chuẩn để luyện tập, biểu diễn. Có lẽ, chính sự “cù cưa” này mà Đoàn xiếc Tp.HCM không còn dám trông mong công trình sớm hoàn thành, nên mới vừa đầu tư 500 triệu đồng chỉnh trang lại rạp bạt ở Công viên 23/9 để biểu diễn cho qua ngày.

Nghệ sĩ ưu tú Trí Tưởng, Phó Trưởng đoàn xiếc Tp.HCM tâm sự: “Trước đây dự án này khoảng 400 tỷ đồng. Cách nay 1 năm, dự toán đã đội lên 700 tỷ đồng và chưa biết đến lúc khởi công, kinh phí sẽ đội lên bao nhiêu nữa?”.

Những công trình văn hóa này không chỉ phục vụ đội ngũ nghệ sĩ sân khấu, khán giả hôm nay mà cả những thế hệ mai sau. Hơn nữa, trong tình hình văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp trong cộng đồng, trong gia đình ngày càng bất ổn thì việc sớm hoàn thành những công trình văn hóa là rất cần thiết. Đây chính là điều kiện thuận lợi để xây dựng những tác phẩm nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, ý thức trách nhiệm của công chúng.

(Theo SGGP)

  • 134
  • By Admin
  • 31/10/2011
  • 17