Tp.HCM: Các doanh nghiệp "ngại" xây nhà cho công nhân
Đã có một số công ty tự đứng ra xây nhà lưu trú cho công nhân của mình nhưng số này rất giới hạn do còn vướng nhiều nguyên nhân...... Chỉ là số đếm trên đầu ngón tay
Tháng 4.2011, công ty CP thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức đã động thổ xây nhà lưu trú cho công nhân trên diện tích 1.118m², với quy mô một trệt, ba lầu phục vụ cho khoảng 400 công nhân. Nhà lưu trú có chỗ nấu ăn riêng, phòng sinh hoạt chung và căntin. Đây là doanh nghiệp thứ năm tự mình đứng ra xây nhà lưu trú cho công nhân của mình.Ông Lê Việt Tiến, chủ tịch công đoàn công ty Vạn Đức cho biết, ở nhà lưu trú, công nhân không phải trả bất kỳ khoản phí nào ngoài tiền điện theo giá quy định của Nhà nước. Đặc biệt, trong khu lưu trú sẽ có nhà trẻ giữ con cho công nhân miễn phí. Đây thực sự là cách công ty giảm bớt gánh nặng đời sống cho công nhân. Công trình được dự kiến sẽ hoàn thành vào tết dương lịch.
Phần lớn công nhân phải tự tìm chỗ ở Theo Liên đoàn lao động Tp.HCM, thành phố có gần 1 triệu công nhân đang làm việc, trong đó khoảng 500.000 người có nhu cầu về chỗ ở. Tính đến năm 2010, Nhà nước và doanh nghiệp xây dựng được 1.359.200m² nhà lưu trú cho 18.200 công nhân, mới đáp ứng được khoảng 10%. Số công nhân còn lại phải tự túc chỗ ở. Tiếp theo Nissei, cách đây ba năm, Acecook cũng khánh thành khu nhà lưu trú bốn tầng trên diện tích 8.546m² phục vụ cho 500 người. Sắp tới, công ty TNHH Palace Việt Nam cũng sẽ đưa vào sử dụng một toà nhà năm tầng cho khoảng 600 công nhân ở... Theo ông Chang Chiêu Minh, trưởng phòng nhân sự của công ty Palace thì trong tình hình khan hiếm lao động như hiện nay, xây nhà lưu trú chính là một cách để giữ chân cũng như thu hút lao động cho công ty. |
Cách đây sáu năm, Nissei là doanh nghiệp đầu tiên đứng ra xây nhà lưu trú cho công nhân của mình với hai block nhà năm tầng, phục vụ khoảng 1.400 công nhân; mỗi tầng còn được trang bị bốn máy giặt, có bình nóng lạnh trong nhà tắm. Ông Huỳnh Lê Khanh, giám đốc hành chính nhân sự của Nissei cho biết, khu lưu trú đang có 1.200 công nhân ở. Mỗi tháng, công nhân chỉ phải đóng 20.000 đồng phí trách nhiệm. Tuy nhiên, khu lưu trú có một số quy định như không được nấu ăn và tiếp khách trong phòng. Vì thế, dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhiều công nhân vẫn “ngại” không vào ở nhà lưu trú.
Cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp
So với hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì số doanh nghiệp tự mình đứng ra xây nhà lưu trú cho công nhân còn quá khiêm tốn. Theo thống kê của viện Công nhân và công đoàn thì tại TP.HCM có tới hơn 60% lao động phải thuê nhà trọ của hộ gia đình, thường rất tạm bợ và chật hẹp.Ông Lê Việt Tiến, chủ tịch công đoàn công ty Việt Đức đề xuất, Nhà nước nên cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây nhà lưu trú cho công nhân. Ông đã từng đại diện cho công ty đi gõ nhiều cửa để vay vốn nhưng không được nên công ty đành phải tự mua đất và bỏ tiền ra xây dựng.
Theo ông Trương Lâm Danh, phó chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố thì công nhân chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Chính họ là những người tạo ra lợi nhuận cho công ty nên doanh nghiệp nên trích một phần lợi nhuận ra để chia sẻ với công nhân. Đó cũng là đạo lý ở đời đồng thời cũng là cách tốt nhất để công nhân gắn bó với mình.
Theo ông Danh, Chính phủ đã có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp trong các khu chế xuất – khu công nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân như được miễn tiền thuê đất trong phạm vi dự án, được miễn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong chín năm tiếp theo và được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Tuy nhiên chỉ những doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp mới được hưởng ưu đãi này nên Liên đoàn lao động đã kiến nghị để những doanh nghiệp bên ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp cũng được hưởng ưu đãi trên.
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 30/05/2011
- 17