Tp.HCM: Các chương trình phát triển NƠXH không đạt kế hoạch
Nhà ở xã hội: Thiếu vốn
Theo Dự thảo báo cáo về kết quả thực hiện các chính sách nhà ở, năm 2011 nguồn trái phiếu chính phủ phân bổ cho Tp.HCM thực hiện các dự án đầu tư xây dựng KTX sinh viên là 202 tỉ đồng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu cần có là 1.794,9 tỉ đồng. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ vừa ít lại chậm. Trước thực tế này, thành phố đã cho 4 trường đại học mượn 441 tỉ đồng từ nguồn vốn cắt dãn tiến độ các dự án khác để đảm bảo tiến độ cho các công trình xây dựng KTX sinh viên. Về chương trình nhà lưu trú cho công nhân, trong năm 2011 thành phố chỉ khởi công được một dự án tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, đáp ứng được khoảng 500 chỗ.Nếu tính từ năm 2009 đến nay, đã có 9 dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân được khởi công xây dựng. Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp cho 6 chủ đầu tư, có quy mô 22,4ha với 8.761 căn phục vụ cho khoảng trên 31.000 người. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, cho đến thời điểm hiện nay mới chỉ có dự án khu dân cư Hạnh Phúc là đã khởi công, nhưng việc triển khai đầu tư khá chậm do thiếu vốn.
Chương trình nhà ở tái định cư, theo kế hoạch trong năm 2011 sẽ xây dựng 4.000 căn hộ và nền đất, nhưng đến ngày 30.11.2011 đã thực hiện 3.335 căn hộ và nền đất đạt 83,4% so với kế hoạch. Tính đến cuối năm 2011, tổng quỹ nhà và nền đất tái định cư trên địa bàn thành phố đã có là 23.130 căn hộ và nền đất đạt 77% so với toàn chương trình. Chương trình di dời nhà ở ven kênh rạch, tính từ 2006 đến cuối năm 2011 đã di dời được 9.344 /15.000 căn của toàn bộ chương trình. Qua một vài con số có thể thấy các chương trình xây dựng chỗ lưu trú cho công nhân, nhà thu nhập thấp... đều không đạt mục tiêu đề ra. Tại buổi tổng kết, UBND thành phố rất quan tâm đến vấn đề phát triển chỗ lưu trú cho công nhân trong KCN, khu chế xuất (KCX). Thành phố đã giao cho Ban quản lý các KCX, KCN làm việc với chủ đầu tư các KCN rà soát quỹ đất trong các KCN, nếu còn dư sẽ dành để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân
Khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Ảnh: Quỳnh Mai |
Thị trường BĐS – bức tranh ảm đạm
Đánh giá chính thức về thị trường BĐS Tp.HCM của Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS Tp.HCM cho thấy, năm 2011 thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn. Mặt bằng giá của thị trường văn phòng cho thuê và thị trường nhà ở đều tụt giảm. Theo số liệu Ban chỉ đạo chương trình chính sách nhà và thị trường BĐS thành phố, giá cho thuê văn phòng trong năm 2011 tiếp tục giảm sâu. Văn phòng hạng A và hạng C giảm lần lượt là 8,5% và 8,3% so với năm 2010. Riêng đối với văn phòng hạng B, mức giảm giá thấp hơn và 7,5%. Về thị trường nhà ở, đến cuối năm 2011, giá căn hộ hạng sang giảm xuống còn 76,6 triệu đồng/m2, giảm 9,1% so với năm 2010. Các phân hạng căn hộ cao cấp, trung cấp và bình dân có mức giảm từ 1,3 đến 3,2%. Tuy nhiên, trên thực tế những số liệu trên chưa phản ánh được tình trạng tụt giảm giá nhà, văn phòng trên địa bàn thành phố.Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS Tp.HCM, thị trường BĐS ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm... Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS Tp.HCM cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn và hạn chế của thị trường BĐS hiện nay. Đáng chú ý là vai trò điều tiết của Nhà nước chưa được phát huy, sự tham gia của Nhà nước trong lĩnh vực BĐS còn khiêm tốn, mờ nhạt; nhà ở phát triển mất cân đối, dư thừa nhà ở cao cấp, thiếu sản phẩm nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho thuê phù hợp với thu nhập của đại bộ phận dân cư; giá nhà ở tăng quá cao so với thu nhập trung bình của người dân và so với mặt bằng chung của thế giới; hệ thống thuế chưa hợp lý, chưa hạn chế được nạn đầu cơ...
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 28/03/2012
- 17