Tp.HCM: Bí tiền, doanh nghiệp địa ốc thanh toán bằng sản phẩm
Tại dự án Era Town (quận 7, Tp.HCM) do công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng là công ty xây dựng – địa ốc Hoà Bình, thay vì trả tiền mặt cho nhà thầu thì chủ đầu tư chia lại một lốc chung cư với 240 căn hộ cho nhà thầu.Dù thị trường kinh doanh bất động sản hoạt động chậm chạp, nhưng vẫn có một bộ phận khách hàng có nhu cầu về nhà ở, quan tâm tìm đến các trung tâm giao dịch, hội chợ bất động sản để tìm hiểu thông tin. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Thanh toán bằng căn hộ
Cách làm trên cũng đang được áp dụng tại khá nhiều dự án như dự án Hoàng Kim Thế Gia ở quận Bình Tân (Tp.HCM) do công ty Vĩnh Phong Thái làm chủ đầu tư, công ty Phước Thành là đơn vị thầu. Tại dự án Metro Towe ở làng đại học Quốc gia TP.HCM do công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 8 (CIC 8) liên kết với công ty Bình Minh đầu tư. Trong đó, công ty Bình Minh đóng vai trò là đơn vị có đất và CIC 8 bỏ tiền triển khai dự án. Khi dự án hoàn thành, hai bên sẽ chia sản phẩm là căn hộ.Đại diện của công ty cổ phần Khải Toàn (chuyên cung cấp thiết bị điện) cho biết, mới đây doanh nghiệp này nhận được đề nghị của tổng công ty Xây dựng 1 (CC1) trong việc trao đổi sản phẩm thay vì mua bằng tiền. Theo đó, CC1 sẽ trả bằng căn hộ của dự án chung cư Hạnh Phúc (nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, Tp.HCM) hoặc đất nền của một dự án ở quận 12 cho hợp đồng cung cấp thiết bị điện cho chung cư Hạnh Phúc.
Có đường ra còn hơn ngồi không
Có thể thấy với hình thức chia căn hộ tương tự hình thức mua bán sỉ, giá rẻ hơn khoảng 5 – 15%, thậm chí 20% so với giá thị trường nhưng với tình hình ảm đạm của thị trường địa ốc hiện nay, việc nhận căn hộ cũng chỉ để “ngắm” hơn là bán.Ông Dương Chí Thiện, phó tổng giám đốc Neoland cho biết, việc dùng sản phẩm để thanh toán được nhiều chủ đầu tư áp dụng trong bối cảnh thiếu vốn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể áp dụng với những nhà thầu có tiềm lực tài chính. Trong khi đó, với nhiều nhà thầu mảng kinh doanh bất động sản khá xa lạ, họ phải tìm sàn giao dịch để nhờ bán sản phẩm. Trong bối cảnh đầu ra đang bị đóng băng thì việc nhận sản phẩm về cũng là bài toán nan giải vì khó bán thu hồi tiền.
“Chúng tôi vẫn chưa quyết định có trao đổi sản phẩm với CC1 hay không. Thời gian gần đây, đa số dự án bất động sản – khách hàng chính của Khải Toàn, thi công khá chậm hoặc treo, nên tình hình kinh doanh của công ty cũng bị kéo xuống. Các dự án thiếu tiền thì chúng tôi cũng thiếu. Do đó, giải pháp đổi sản phẩm trong lúc này là chưa thích hợp”, vị đại diện của Khải Toàn nói.
Tuy nhiên, chấp nhận làm ăn theo các hình thức hợp tác trên, những nhà thầu đang muốn có được hợp đồng thi công công trình thay vì ngồi chơi xơi nước. Ông Lê Quốc Duy, phó tổng giám đốc công ty Hoà Bình, cho biết khi nhận số căn hộ trên, đầu tiên công ty Hoà Bình bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên công ty, còn lại bán ra thị trường. Đến nay công ty này đã bán được 160 căn hộ. Đây có thể xem là một kết quả không đến nỗi nào và quan trọng là nó giải quyết được vấn đề tài chính cho chính bản thân nhà thầu. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sự tham gia của nhiều bên sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, quay vòng đồng vốn nhanh, không bị công nợ. Hơn nữa ngay cả nhà thầu cũng cần có công ăn việc làm, nên sẵn sàng chung tay với chủ đầu tư vừa xây dựng, vừa bán hàng.
Ông Đoàn Chí Thanh, tổng giám đốc công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho biết thêm, không chỉ liên kết trong việc cung cấp sản phẩm, thời gian gần đây, các doanh nghiệp bất động sản đã thành lập mạng liên sàn để cùng nhau chia sẻ phân phối một dự án nào đó khi được tung ra thị trường. Việc liên kết này hai bên đều cùng có lợi, khi chủ đầu tư không phải lo tiền mặt để mua đất hay trả tiền cho nhà thầu để thi công dự án, trong khi đó, nhà thầu lấy lại sản phẩm theo dạng mua sỉ nên giá rẻ hơn rất nhiều so với giá chủ đầu tư chào bán ngoài thị trường.
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 05/08/2011
- 17