Tp.HCM: Bàn giải pháp quy hoạch di sản kiến trúc đô thị
Phát biểu khai mạc hội thảo, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, đô thị Sài Gòn - Tp.HCM với 300 năm phát triển chắc chắn đang tồn tại một quỹ di sản kiến trúc hết sức đồ sộ và quý giá cần được cộng đồng biết đến, bảo vệ và khai thác.
Theo ông Vạn, từ những quần cư do những người di dân Việt, đến khi chúa Nguyễn thành lập phủ Gia Định đến nay, đô thị Tp.HCM đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, nhiều đổi thay về lối sống, nếp sống,… Với một đô thị mang dấu ấn sông nước, đặc trưng của vùng đất Nam bộ, nhưng sống bằng kỹ thương, rõ ràng đô thị này có đặc trưng văn hóa khá độc đáo.
Theo ông Vạn, từ những quần cư do những người di dân Việt, đến khi chúa Nguyễn thành lập phủ Gia Định đến nay, đô thị Tp.HCM đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, nhiều đổi thay về lối sống, nếp sống,… Với một đô thị mang dấu ấn sông nước, đặc trưng của vùng đất Nam bộ, nhưng sống bằng kỹ thương, rõ ràng đô thị này có đặc trưng văn hóa khá độc đáo.
Quang cảnh hội thảo |
Chia sẻ ý tưởng về xây dựng một “trục đường thiên lý” để tìm về các giá trị di sản của Sài Gòn – Tp.HCM, KTS Lê Quang Ninh (Hội Kiến trúc sư Tp.HCM) cho biết, vùng đất Sài Gòn từ xa xưa đã hình thành con đường thiên lý, gợi nhớ thời mở cõi, thời kỳ manh nha của cơ sở hạ tầng đô thị được ghi nhận qua các bản đồ của danh nhân Trần Văn Học (lập nên từ thế kỷ XIX). Trong sách Sài Gòn – Gia Định xưa cũng bắt gặp đường thiên lý bắt đầu từ thành cổ đi về phía Biên Hòa. “Như vậy, phải chăng là đường thiên lý chính là những tuyến đường bộ quan trọng nối Sài Gòn với các miền trọng yếu của phương Nam”, KTS Vinh đặt vấn đề.
Lo lắng về công tác bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn, KTS Cao Thành Nghiệp (Hội Kiến trúc sư Tp.HCM) cho rằng, áp lực về phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa đang khiến bản sắc kiến trúc đô thị của thành phố mai một nhanh hơn. Ngoài ra, sự thay đổi về mật độ dân cư trong thành phố, nhất là những khu vực có di sản kiến trúc đô thị dẫn đến các công trình kiến trúc, lô đất bị chia cắt nhỏ hơn, cấu trúc đô thị cũng bị thay đổi. Ông Nghiệp góp ý, để bảo tồn di sản kiến trúc đô thị hiệu quả thì nhất thiết chính quyền thành phố phải tìm ra hướng thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc trùng tu, sửa chữa, quản lý các công trình và cụm công trình kiến trúc cần được bảo tồn.
Theo tiến sĩ Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Tp.HCM, trong số 139 du tích đã được xếp hạng ở Tp.HCM hiện nay, có 30 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận. Đây là các công trình kiến trúc cổ, có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, đủ tiêu chí xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, tiến sĩ Mý nhìn nhận, khó khăn nhất hiện nay trong công tác bảo tồn di sản của Tp.HCM chính là việc xác định như thế nào quy mô bảo tồn để không kìm hãm hoặc cản trở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cùng khuyến nghị giải pháp trong ứng xử với di sản văn hóa đô thị tại Tp.HCM, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu,Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM đặt ra 3 vấn đề: Tại sao cần phải bảo vệ di sản? Không bảo vệ thì điều gì sẽ xảy ra khi các di sản biến mất? Di sản giúp gì trong đời sống tinh thần của cư dân đô thị? Theo tiến sĩ Hậu, di sản văn hóa có vai trò rất quan trọng, cung cấp cho xã hội nhiều tư liệu để có thể nhìn toàn diện về đô thị từ quá khứ đến tương lai, như: nguồn tư liệu về chữ viết, môi trường, cảnh quan, khảo cổ, dấu tích kiến trúc,…
“Những năm gần đây thành phố đã thay đổi rất nhiều: không còn những nhà lá lụp xụp, nhếch nhác trên kênh nước đen; nhiều khu đô thị mới hình thành,…Thế nhưng, sự thay đổi này đã làm mất đi khá nhiều những dấu tích xưa cũ, là “hồn vía” của Sài Gòn. Nguy cơ trước mắt là cơn lốc đô thị tràn lan đã và đang phá đi khá nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc của Sài Gòn. Do đó, tôi cho rằng việc bảo vệ si sản văn hóa nên hiểu là công việc làm thế nào để con người sống tốt hơn cho hôm nay, chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ, dù đẹp đến đâu”, tiến sĩ Hậu chia sẻ.
- 153
- By Admin
- 14/12/2012
- 17