Tp.HCM: 30% các tòa nhà văn phòng giảm giá cho thuê
Cụ thể, giá thuê trung bình trong quý 1/2012 giảm 2% còn khoảng 562.000 đồng/m2/ tháng so với quý trước, công suất thuê tăng 1 điểm phần trăm đạt 85% so với quý 4/2011. Văn phòng hạng B đạt công suất thuê cao nhất là 87%, hạng A và C có cùng công suất thuê là 83%.
Theo ông Trương An Dương, giao dịch văn phòng chính trong quý 1/2012 tại Tp.HCM là dịch chuyển từ tòa nhà cũ sang các tòa nhà mới và dịch chuyển giữa các hạng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế hiện nay, khách thuê không mở rộng diện tích văn phòng khi chuyển vào tòa nhà mới. Mặt khác, thị trường có dấu hiệu khách thuê bắt đầu chuyển từ các tòa nhà hạng cao xuống các tòa nhà hạng thấp hơn nhằm giảm chi phí.
Chính vì vậy, nguồn cầu cho văn phòng giảm mạnh 51%. Chỉ có hạng C có lượng tiêu thụ tăng 10% trong khi lượng tiêu thụ hạng A giảm 70% và hạng B giảm 66% so với quý trước.
Theo Savills Việt Nam, tổng nguồn cung văn phòng trên địa bàn Tp.HCM hiện đạt hơn 1,2 triệu m2, tăng 1% so với quý trước, trong đó quý 1/2012 có khoảng 14.000m2 sàn gia nhập thị trường. Tuy nhiên, so với cùng kỳ mỗi năm từ 2008-2011, tỷ lệ tăng trung bình của nguồn cung văn phòng trong quý này là thấp nhất, chỉ đạt 11% so với cùng kỳ năm trước.
Dự đoán về nguồn cung trong thời gian tới, Savills Việt Nam cho biết, có 75 dự án với hơn 1,4 triệu m2 sàn dự kiến sẽ gia nhập thị trường từ 2012 trở đi. Không có dự án tương lai mới nào được công bố trong quý 1/2012. Giá thuê trung bình dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong hai quý tới do tình hình kinh tế khó khăn và phần lớn diện tích trống hiện tại ở hầu hết các tòa nhà.
Trái ngược với phân khúc văn phòng, phân khúc mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM hoạt động khá ổn định và có chiều hướng tăng giá thuê cũng như công suất thuê.
Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, giá thuê toàn thị trường tăng 4% và công suất thuê tăng nhẹ 1 điểm phần trăm so với quý trước, đạt 87%.
Trong quý 1/2012, tại Tp.HCM có một siêu thị đóng cửa và 3 siêu thị mới gia nhập vào thị trường trong quý này làm nguồn cung tăng nhẹ 1% so với quý trước, nâng tổng diện tích sàn lên hơn 700.000m2 với 7 trung tâm bách hóa, 8 khối đế bán lẻ, 20 trung tâm mua sắm, 60 siêu thị và 3 trung tâm bán sỉ.
Ông Trương An Dương, cho biết các trung tâm mua sắm vẫn chiếm thị phần cao nhất trong tổng nguồn cung của tất cả loại hình bán lẻ, theo sau là siêu thị và trung tâm bách hóa. Với việc mức sống ngày càng tăng, càng có nhiều người thích mua sắm tại các trung tâm mua sắm hơn là tại các chợ truyền thống để có thể mua các sản phẩm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Vì vậy, nguồn cầu cho siêu thị, đặc biệt là tại các quận ngoại thành dự kiến sẽ tăng cao trong tương lai.
Ngoài ra, trong các quý gần đây, việc phần lớn các siêu thị mới đều nằm tại các quận ngoại thành có thể là dấu hiệu khi mà các nhà đầu tư bán lẻ đang nỗ lực hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập thấp và trung bình tại các khu vực ngoài trung tâm.
Từ năm 2012 trở đi, tại Tp.HCM có khoảng 1,4 triệu m2 diện tích bán lẻ mới sẽ gia nhập thị trường. Quận 1 và các khu đô thị mới như quận 2 và 7 vẫn là điểm tập trung của các chủ đầu tư bán lẻ. Những quận này chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 45% trong tổng nguồn cung bán lẻ tại thành phố tương lai./.
(Theo Vietnam+)
- 0
- By Admin
- 05/04/2012
- 17