Tp. HCM "khát" bãi đỗ xe
Giành nhau từng mét đấtMột vị khách đi dự hội nghị về bãi đậu xe tại khách sạn Kim Đô (số 63 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) ngày 31/5, than thở, tài xế của ông chạy lòng vòng quanh các tuyến đường nhưng không còn chỗ trống nào để đậu xe. Hỏi ra mới biết, các tuyến đường cho phép được đậu xe ở khu vực trung tâm luôn chật kín chỗ, từ sáng sớm đến tối mịt. Các xe ô tô vãng lai đến đây thường không có chỗ để đậu. Khách sạn Kim Đô nằm ngay trung tâm thành phố, thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn mà không đáp ứng được nhu cầu gửi xe ô tô thì quá bất tiện.
Xe ô tô đậu tràn ra đường, hình ảnh thường thấy tại TP.HCM. |
Không chỉ khách sạn Kim Đô, phần lớn các khách sạn 4 - 5 sao tại khu vực trung tâm TP.HCM cũng rơi vào tình trạng này. Vị khách nào may mắn cho được xe vào tầng hầm khách sạn thì giá cả cũng không rẻ chút nào, trung bình 50.000-100.000 đồng/lượt xe, trong khi đậu xe trên đường có thu phí chỉ 5.000 đồng/lượt.
Trước nhu cầu chỗ đậu xe ô tô con (nhất là ở khu vực các quận trung tâm), các quận 1, 3, 5 “chữa cháy” bằng cách kẻ vạch sơn dưới lòng đường, vỉa hè làm nơi đậu xe ô tô có thu phí. Nhiều tuyến đường thường xuyên chật kín xe ô tô nối đuôi nhau nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đậu xe. Trên các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Tôn Thất Tùng, Lê Lai, Cống Quỳnh..., xe ô tô chen nhau đậu sát lề, hôm thì bên phải, hôm thì bên trái tùy theo biển báo cho phép. Nhiều người dân có xe ô tô mỗi lần ra khu vực trung tâm thành phố đều ngán ngẩm với việc tìm chỗ đậu xe.
Không chỉ khu vực trung tâm thành phố, các khu vực khác cũng đang thiếu bãi đậu xe trầm trọng. Các bến bãi đậu xe dành cho xe tải, xe taxi, xe buýt hầu như vẫn chưa có. Phần lớn các xe này thường đậu nhờ ở những bãi đất trống của tư nhân hay đậu trên vỉa hè, lề đường. Nhu cầu về bãi đậu xe tải đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng đang là một vấn đề bức thiết hiện nay. Theo ông Thái Văn Chung – Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, với đặc thù TP.HCM có nhiều cảng biển nằm trong khu vực nội thành, nên các phương tiện vận tải tập trung ở khu vực này có mật độ dày và số lượng lớn. Áp lực này ngày càng gia tăng theo tốc độ tăng trưởng. Ngoài việc không đáp ứng được nhu cầu về bãi đậu xe tải, thành phố cũng thiếu trầm trọng diện tích các trung tâm tiếp chuyển hàng hóa – kho bãi lưu chứa hàng hóa trong một thời gian ngắn để sau đó hàng chuyển tiếp vào nội đô hay ngược lại.
Số lượng ô tô tại TP.HCM hiện vào khoảng 500.000 xe, chiếm 1/3 tổng số ô tô cả nước và xe gắn máy 4,5 triệu xe chiếm khoảng 15% của cả nước, chưa kể mỗi ngày thành phố có khoảng 1 triệu xe gắn máy và 60.000 ô tô từ các địa phương khác lưu thông trên các tuyến đường của thành phố. Với tốc độ gia tăng chóng mặt (mỗi ngày hơn 1.200 xe gắn máy và 120 xe ô tô đăng ký mới), trong tương lai gần mọi tuyến đường TP.HCM đều kẹt cứng vì xe cá nhân.
Mọi khoảng trống trong khu vực trung tâm TP luôn được giành cho chỗ đậu xe ô tô. |
Theo quy hoạch, thành phố cần khoảng 520 ha làm bãi đậu xe ô tô (gồm xe tải, xe con). Theo đó, các bãi đậu xe được phân bố trên nguyên tắc gần khu vực chợ, siêu thị, nhà ga cạnh các đường hướng tâm tại cửa ngõ ra vào khu nội đô, và mỗi quận, huyện cần ít nhất một bãi đậu xe ô tô. Tuy nhiên thống kê mới nhất từ Sở GTVT cho thấy, diện tích các bãi đậu xe ô tô hiện có của thành phố chỉ mới đạt 3,3 ha, chiếm 0,6% quy hoạch. Riêng khu vực trung tâm thành phố hiện nay dường như không còn một mảng trống nào để xây dựng bãi đậu xe và cách duy nhất là thành phố phải làm các bãi đậu xe ngầm.
Tuy nhiên, 10 năm qua, từ khi TP.HCM quy hoạch và kêu gọi đầu tư 8 dự án bãi đậu xe ngầm thì nay chỉ còn 4 dự án, nhưng vẫn chưa có một dự án nào hoàn thành, trong khi nhu cầu về bãi đậu xe ngày càng bức bách. Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện chỉ có 4 dự án bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm đang trong quá trình triển khai gồm: Bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám (do IUS làm chủ đầu tư), bãi đậu xe ngầm khu vực sân khấu Trống Đồng (Công ty TNHH Đông Dương), bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư (Công ty TNHH Đông Dương) và bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá Tao Đàn (Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam – IDICO).
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhìn nhận, khan hiếm bãi đậu xe ở TP.HCM là một thực trạng nan giải, lẽ ra phải được giải quyết từ nhiều năm trước. “Theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, với khách sạn 3 sao trở lên thì 4 phòng phải có 1 chỗ đỗ xe; với văn phòng cao cấp, trụ sở cơ quan đối ngoại thì 100 m2 sàn sử dụng có 1,5 chỗ đỗ. Tương tự, chung cư cao cấp là 1 căn hộ phải có 1,5 chỗ đỗ. Chiếu theo quy chuẩn này thì không chung cư nào ở TP.HCM đáp ứng được tiêu chuẩn. Việc hậu kiểm các công trình lỏng lẻo dẫn đến hậu quả là hàng loạt dự án cao ốc, khách sạn sau này đều không đáp ứng được các quy định về chỗ đậu xe ô tô nhưng vẫn được cho qua”.
Theo công bố của Sở Xây dựng, bến bãi ở thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 6% cho nhu cầu đỗ xe hiện nay. Trong khi đó, việc triển khai các dự án bãi đậu xe lại cứ bị “ngâm” từ năm này qua năm khác. Lý do đơn giản là các ngành chức năng lúng túng bởi chưa có một quy định chung nào về xây dựng công trình ngầm. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng các bãi đậu xe ngầm. Do chưa quen tiếp cận với loại hình bãi đậu xe ngầm nên trình tự thủ tục, cách giải quyết của chính quyền địa phương còn nhiều phức tạp và rắc rối, khiến tiến độ các dự án chậm trễ. Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, ban hành các qui chuẩn, qui định về xây dựng các bãi đậu xe ngầm và cũng đã cho phép nhà đầu tư áp dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài để xây dựng các bãi đậu xe ngầm ở Việt Nam.
Ở một hướng đi khác, mới đây, Công ty TNHH cơ khí & cầu trục NMC (trụ sở tại Bình Dương) vừa đưa ra giải pháp về bãi đậu xe tự động với ưu điểm trên cùng một diện tích đất, số lượng ô tô đỗ được có thể tăng từ gấp đôi đến gấp 20 lần. Đánh giá về hệ thống này, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Chính quyền TP.HCM ủng hộ và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng những bãi đỗ xe tự động đạt tiêu chuẩn, góp phần giải bài toán ách tắc giao thông đang diễn ra hiện nay. Được biết, hệ thống này được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản.(Theo Tin tức)
- 0
- By Admin
- 09/06/2011
- 17