• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tp HCM: Chỉnh trang đô thị cho người nghèo

Hẻm 136 P.6, Q.6 đã được chỉnh trang rộng rãi, sạch sẽ.

Bắt đầu từ người nghèo

Đến hẻm 136 thuộc phường 6, quận 6, TP.HCM - một trong những địa điểm đầu tiên thực hiện dự án nâng cấp đô thị của TP.HCM - thật khó nhận ra nếu như đã lâu bạn không ghé lại. Con hẻm chật chội, chỉ rộng hơn 2m với ximăng lót bị bong tróc, lúc nào cũng bẩn giờ thoáng mát với chiều rộng tới 4,5m và nền ximăng thẳng tắp.

Người dân ở đây vẫn giữ nếp sinh hoạt như trước, nghĩa là tận dụng một phần hẻm để buôn bán nhưng có trật tự hơn. Bàn ghế để sát tường. Rác được bỏ gọn vào trong giỏ rác. Một sự “thay da đổi thịt” đến không ngờ. Anh Lâm Kiến Đức - cán bộ phường 6, quận 6 - nói vui: bây giờ người ta là dân của hẻm “xịn” rồi nên phải khác chứ.

Có lẽ anh Đức nói không sai! Khi được sống trong một môi trường tốt hơn, ý thức người dân cũng dần thay đổi: trân trọng và gìn giữ môi trường sống của mình hơn. Không chỉ có con người thay đổi, giá trị của con hẻm cũng khác. Bác Nguyễn Văn An, người dân trong hẻm, cho biết nếu trước đây giá nhà đất trong hẻm là 1 thì nay gấp 2-3. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản của người dân trong hẻm đã được tăng lên rất nhiều.

Dự án nâng cấp đô thị TP.HCM là một trong bốn tiểu dự án thuộc dự án nâng cấp đô thị Việt Nam được Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện. Ba tiểu dự án còn lại được triển khai ở Nam Định, Hải Phòng và Cần Thơ. Mục tiêu của dự án là cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là các khu dân cư thu nhập thấp trong nội thành, giúp họ tiếp cận các cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng như giao thông, điện, cấp thoát nước… Tại TP.HCM, dự án được triển khai ở hàng trăm khu dân cư thu nhập thấp thuộc các quận 6, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân…

Hẻm 136 là một trong số đó. Ngoài việc làm lại hẻm, dự án còn tiến hành lắp đặt mới và cải tạo toàn bộ hệ thống cấp thoát nước, điện, chiếu sáng công cộng. Bên cạnh đó, để giúp người dân cải thiện cuộc sống, dự án còn có quĩ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà.

Theo anh Lâm Kiến Đức, người dân nào có nhu cầu chỉnh sửa lại nhà sẽ được dự án cho vay 15 triệu đồng. Số tiền này không lớn nhưng anh Đức cho biết cũng đủ giúp người nghèo chỉnh sửa lại nhà, đấu nối lại hệ thống điện, nước…

Không phải ngẫu nhiên mà bộ mặt hẻm 136 có sự thay đổi nhiều đến như vậy!

Theo Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM, trong giai đoạn 1 (2004-2006), dự án đã có gần 7.000 hộ dân vay tiền chỉnh trang lại nhà với số tiền hơn 53 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (2007-2014) đã cho gần 3.000 hộ vay tiền với số tiền hơn 17 tỉ đồng. Tính chung, từ số tiền này đã có khoảng 165.440m2 nhà được xây thêm. Một con số thật ý nghĩa đối với người nghèo trong các khu vực thu nhập thấp khi mà hầu hết dự án xây nhà mới đều ngoài tầm với của họ.

Đến cộng đồng

Không dừng lại ở các khu dân cư. Theo ông Nguyễn Hoàng Nhân - giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM, dự án còn đầu tư hệ thống thoát nước đấu nối từ nhà dân ra hệ thống thoát nước chung và cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm để giải quyết ngập cho cả lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm vốn tập trung rất nhiều dân nghèo của thành phố.

Hiện nay, đã có khoảng 1.800m cống trong tổng số 25km đường cống thoát nước loại này được xây dựng. Việc nạo vét kênh Tân Hóa - Lò Gốm tuy chưa xác định được nguồn vốn, song các công tác chuẩn bị đã được triển khai. Ban quản lý đã lập dự án và cho thiết kế kỹ thuật. Thành phố đã giao việc giải tỏa khoảng 2.000 hộ dân cho các quận, huyện đảm trách.

Cũng theo ông Nhân, dự án cũng có một khoản kinh phí không nhỏ cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý đô thị cho cán bộ ở cả ba cấp: phường, quận và thành phố. Đã có hàng trăm cán bộ được bồi dưỡng kiến thức qua các lớp này và hiện đã có không ít cán bộ sử dụng tốt kiến thức đã học trong công việc.

Điểm đặc biệt của dự án nâng cấp đô thị TP.HCM là các hộ dân phải di dời, giải tỏa trắng không nhiều. Trong giai đoạn 1 của dự án tại bốn quận 6, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân, có 2.885 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng chỉ có 310 hộ phải di dời. 162 hộ trong số này đã được bố trí tái định cư. Số còn lại nhận tiền và tự lo nơi ở mới. Như vậy có hơn 2.500 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án - một điều mà không phải dự án chỉnh trang đô thị nào cũng làm được.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
  • 297
  • By Admin
  • 22/05/2008
  • 17