• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tổng kết thị trường BĐS tháng 8/2012: Tháng Ngâu không ảm đạm

Đối với phân khúc BĐS cao cấp, đất nền dự án, thị trường gần như xuất hiện tình trạng “không giao dịch”. Người bán do đã lỗ nhiều quá rồi nên không hào hứng bán nữa và có tâm lý thà để đó còn hơn. Người mua thì vẫn một lý do nhưng không hề cũ, đó là “giá vẫn còn quá cao”.

Nhiều dự án dù có giá bán thấp hơn tới 20% so với giá gốc của chủ đầu tư nhưng cũng không ai mặn mà. Có thể nói, đối với những dự án cao cấp, những chiêu kích cầu từ chủ BĐS không những không có tác dụng mà còn nhận được những hiệu ứng ngược như: uy tín của dự án giảm cấp, người mua càng trở nên hoang mang.

Tổng kết thị trường BĐS tháng 8: Tháng Ngâu không ảm đạm | ảnh 1

Tại Hà Nội, giá BĐS từ đất nền dự án tới căn hộ cao cấp đều đã giảm khá mạnh, giá hiện nay dù đã thấp hơn nhiều so với thời gian trước nhưng số lượng các giao dịch thành công vẫn rất ít ỏi.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, BĐS khu vực Cầu Giấy sụt giá mạnh nhất, mức giảm lên tới 25-30% so với thời điểm quý 4/2011, đặc biệt là phân khúc BĐS cao cấp. Đơn cử, dự án Keangnam Landmark Tower hiện có nhiều căn hộ được chào bán chỉ ở mức 1.900-2.100USD/m2, so với mức giá 2.300-2.400USD/m2 thời điểm đầu năm 2012. Dự án Indochina Plaza hiện đang được nhà đầu tư rao bán lỗ 800 triệu - 1 tỷ đồng/mỗi căn hộ so với giá gốc. Nhiều người không bán được chuyển sang cho thuê để gỡ lại phần nào chi phí.

Về mảng nhà đất thổ cư, nhu cầu ít nên nhiều chủ nhà cần tiền cũng quyết giảm giá “sốc”. Tại quận Cầu Giấy, những BĐS nằm trong ngõ rộng ô tô có thể vào được hiện đang được chào bán ở mức 120-150tr/m2. Còn những BĐS trong ngõ hẹp 2-2,5m thì giá dao động trong khoảng 55-70tr/m2. Hiện giao dịch chủ yếu diễn ra ở những BĐS được chủ nhà bán gấp do quá khó khăn về tài chính, chịu áp lực lớn trong việc trả nợ ngân hàng.

Tại Tp.HCM, phân khúc BĐS cao cấp, nhà giá trên trung bình (trên 20tr/m2) đang “đóng băng hoàn toàn”, đất nền dự án vẫn tiếp tục xu hướng giảm giá. Hàng nghìn BĐS đang được rao bán nhan nhản trên khắp các kênh thông tin cùng những lời ghi chú như “nhận nhà trả góp 3 năm không lãi suất”, “cần tiền trả nợ, bán gấp”, “bán dưới giá gốc”, “chung cư giá rẻ giật mình”… đã cho thấy rõ mức độ “ế” của mặt hàng này như thế nào.

Tuy nhiên, bên cạnh sự khó khăn của phân khúc đất nền dự án, BĐS cao cấp thì những chung cư giá trung bình lại đang được rất nhiều người quan tâm và giao dịch, dù thời điểm này đang là giữa tháng Ngâu.

Đơn cử là dự án Sunview3 tại quận Gò Vấp. Chị Tường Vy, nhân viên kinh doanh Sàn giao dịch Hội sở tổng công ty Đất Xanh, cho biết, vào 9/9 tới dự án mới được mở bán (chỉ mở bán 1 lock gồm 21 căn hộ với giá 13,4tr/m2) nhưng hiện đã có tới 240 khách hàng đặt chỗ. “Dự kiến, trong ngày mở bán, số căn hộ giao dịch thành công sẽ đạt 80-90%”, chị Vy khẳng định.

Một dự án khác cũng đang có giao dịch khá tốt là chung cư Khang Gia nằm tại quận Gò Vấp, có giá bán 11,3tr/m2. Chỉ tính riêng trong ngày mở bán 25/8, dự án đã sang tên được gần 40 căn – một con số giao dịch đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp trong thời điểm thị trường đang gặp khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, nhiều dự án giá mềm khác cũng đang có giao dịch khá đều đặn như: chung cư An Tiến, Lê Thành (giá bán từ 10-12tr/m2); chung cư Thái An (giá 13-18tr/m2), chung cư Long Phụng (giá 11,8tr/m2), chung cư Bình Tân (11,8tr/m2)…

Về phía chủ đầu tư, trong tháng 8 này có nhiều doanh nghiệp tung dự án ra thị trường, bất chấp tâm lý né giao dịch vào tháng 7 âm lịch. Các dự án được mở bán như: chung cư Khang Gia tại quận Gò Vấp (mở bán ngày 25/8); chung cư Nguyễn Thượng Hiền tại quận Gò Vấp (mở bán ngày 26/8); 10 dự án của Sacomreal gồm HUD, Biconsi, Đại Nam, Mỹ Phước 3, Nhà phố Gò Dầu, New Sai Gon, Belleza, Sealinks, Everrich, Carillon (chào bán từ ngày 25-31/8)… Kết quả của các đợt bán hàng diễn ra khá khả quan cho thấy các doanh nghiệp đang đi đúng hướng. Việc hướng tới “cái mà thị trường cần” đã giúp không ít doanh nghiệp đứng vững trong khủng hoảng.

Tuy nhiên, nhìn nhận về thị trường, ông Lâm Văn Chúc, Giám đốc công ty địa ốc Phúc Đức, kém lạc quan cho biết, nền kinh tế vĩ mô vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn, sức mua của hầu hết các ngành nghề đều ở mức rất thấp, do đó bất động sản cũng không nằm ngoại lệ. Từ năm 2008 tới nay, gửi tín dụng vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất so với các kênh BĐS, vàng, chứng khoán. Nhiều người đang có xu hướng tích lũy vàng để an toàn tài chính, thay vì đặt niềm tin vào BĐS. “Với mức lãi suất cao như 3 năm gần đây, thì có đến 97% nhà đầu tư BĐS sẽ bị lỗ. Do đó, để cứu được thị trường, cách hiệu quả nhất vẫn là Ngân hàng phải tiếp tục giảm lãi suất, trong vòng 3 tháng tới lãi suất cho vay không được vượt quá 12%. Ngoài ra, cần thiết hạn chế đầu ra, không nên hạn chế đầu vào. Nếu lãi suất đầu ra vẫn để tự do thương lượng thì thị trường BĐS vốn phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng sẽ khó có thể phục hồi trong vài ba năm tới”, ông Chúc nhấn mạnh.

Đề cập tới xu hướng thị trường trong thời gian tới, ông Lê Xuân Trường, Giám đốc điều hành Batdongsan.com.vn, kiêm Chủ tịch HĐQT công ty Bất động sản B.D.S cho hay, từ đầu năm tới nay, dù nhiều chính sách “kích cầu” được tung ra, nhưng thị trường vẫn không mấy sáng sủa. Nhiều công ty bất động sản (BĐS) vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như kích thích nguồn cầu. Vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề về giá, do đó, nếu nhiều khu vực, phân khúc không giảm giá mạnh, đặc biệt là mảng BĐS cao cấp và đất nền dự án, thì tình trạng đóng băng giao dịch sẽ còn kéo dài. Chỉ khi giá BĐS giảm xuống mặt bằng mới người mua chấp nhận được thì mới tốt cho cả hai bên, chứ không thời gian chờ đợi nhau còn tiếp diễn.

“Riêng phân khúc nhà đất giá trung bình thì sẽ vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua, và đây vẫn là điểm sáng của thị trường trong vài năm tới”, ông Trường cho hay.

Hiền Thu

  • 0
  • By Admin
  • 04/09/2012
  • 17