• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Tổng kết TTBĐS 2015 (kỳ IV): BĐS Nghỉ dưỡng hồi phục, đất nền tăng thanh khoản

>> Tổng kết TTBĐS 2015 (Kỳ I): Văn phòng khởi sắc, khối bán lẻ hút khách ngoại

>> Tổng kết TTBĐS 2015 (Kỳ II): Căn hộ cho thuê bội cung, BĐS khu công nghiệp sôi động

>> Tổng kết TTBĐS 2015 (Kỳ III): Bùng nổ nguồn cung căn hộ cao cấp, giá BĐS dò đáy

BĐS nghỉ dưỡng xuất hiện nhiều đại dự án

Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, năm 2015, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của BĐS nghỉ dưỡng, nhất là tại các vùng ven biển, từ những địa danh quen thuộc như Phú Quốc, Khánh Hòa, Nha Trang, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Phan Thiết, Đà Nẵng cho đến những tên tuổi mới như Thanh Hóa, Quảng Ninh… Tại đây, hàng loạt các dự án được đầu tư phát triển trong suốt năm qua. Trong khi đó, khối ngoại vẫn không ngừng rót vốn đầu tư hàng tỷ USD vào phân khúc này: Công ty Asian Coast – Canada  đầu tư 4,23 tỷ USD vào dự án Hồ Tràm Strip, mới đây nhất là Tanzanite International đã đầu tư 500 triệu USD phát triển dự án The Hamptons Hồ Tràm. Đặc biệt, không chỉ khối ngoại, phân khúc này đang từng bước thu hút nhiều tên tuổi lớn trong nước như Vingroup, Sungroup, FLC, BIM, LDG, CEO… nhiều dự án với số vốn hàng ngàn tỷ đồng liên tiếp được đầu tư xây dựng. Có thể kể tới chuỗi Vinpearl Premium ở Phú Quốc, Đà Nẵng và Nha Trang, biệt thự ven biển Premier Village, The Point thuộc Danang Beach Resort, Naman Residences, Fusion Sầm Sơn, Grand World,  Sonasea Villas & Resort, Ritz-Carlton Resort & Spa …

BĐS nghỉ dưỡng
Nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng được triển khai trong năm 2015. Ảnh: Phương Uyên

Không chỉ ghi nhận sự bùng nổ của các dự án nghỉ dưỡng mà thị trường năm vừa qua còn cho thấy thanh khoản và khả năng hấp thụ rất khả quan, tăng gấp 2 – 3 lần so với năm 2014. Lượng khách quốc tế và Việt kiều chọn mua các dự án nghỉ dưỡng cũng tăng lên khi mà luật đất đai mới được thông qua. 

Đặc biệt, sau khi các Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược của Việt Nam với các nước trong khu vực được thông qua, BĐS nghỉ dưỡng đã nhanh chóng trở thành  một trong những phân khúc hưởng lợi nhiều nhất. Chính sách mở cửa kinh tế càng giúp Việt Nam tăng sức hút với kiều bào, người nước ngoài muốn sở hữu BĐS tại Việt Nam, doanh nghiệp nội càng chú trọng đón đầu hiệp định TPP, gia tăng cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng cho người Việt và người nước ngoài. Chính vì vậy thanh khoản của phân khúc này trong năm 2015 khởi sắc thấy rõ. Không chỉ cung tăng mà cầu cũng dần khởi sắc, BĐS nghỉ dưỡng đang đi vào quỹ đạo hồi phục chung của toàn thị trường.

Nhìn nhận về tiềm năng của phân khúc này trong năm 2016, các chuyên gia đều có chung nhận định, những yếu tố về cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi, tác động khách quan của tình hình kinh tế chung sẽ giúp BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục bùng nổ. Xu hướng đa dạng  hoá các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng luôn được giới đầu tư đón nhận bởi khách hàng thấy được tiềm năng của BĐS nghỉ dưỡng trong tương lai. Những dự án BĐS dọc các tuyến biển sẽ tiếp tục là dòng sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Nguồn cung tốt, đất nền tăng thanh khoản

2015 có thể xem là một năm bội thu của thị trường đất nền khu vực phía Nam, ở cả Tp.HCM và các tỉnh lân cận. 

Về nguồn cung, Tp.HCM ghi nhận hàng loạt dự án mới ở cả khu Đông Nam và khu Tây Bắc. Điển hình ở khu Đông gồm có Gia Cát Garden (Cát Lái, Q.2), Citibella (Q.2), Citihome (Q 2), Galleria, Jamona Golden Silk (Q.7), Camellia Garden (Q.7), Melosa Garden (Q.9)… Khu Tây cũng không kém cạnh với các dự án như Nam Phát Riverside (Q.8)), An Hạ Riverside (Bình Chánh), Van Phuc Riverside City (Bình Thạnh), City Garden Hill ( Gò Vấp)… Nhìn chung các dự án phát triển tại Tp.HCM đều có điểm nhấn là hạ tầng, nhất là những dự án nằm dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), xa lộ Hà Nội (quận 9, quận Thủ Đức), Mai Chí Thọ, vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất (Gò Vấp) hay những nơi mà tuyến tàu điện ngầm Metro đi qua. Ngoài hai tâm điểm này, thị trường đất nền Tp.HCM cũng đang phát triển nhanh chóng tại địa bàn quận 2, gần khu đô thị mới Thủ Thiêm sắp hình thành.

Đất nền Tp.HCM
Đất nền Tp.HCM vẫn là sản phẩm có sức hút lớn với giới đầu tư. Ảnh: Phương Uyên

Nhìn chung, so với năm 2014, phân khúc biệt thự/nhà liền kề ở Tp.HCM có sự gia tăng về nguồn cung với chất lượng tốt hơn nên giao dịch đặc biệt tốt, sức mua cũng tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, phân khúc này vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu cung, nếu so với năm ngoái nguồn cung năm nay đã giảm ít nhất 40%. Việc thiếu nguồn cung mới khiến giao dịch sôi động ở thị trường sơ cấp trong khi giao dịch thứ cấp có phần chững lại. 

Về giá bán, thị trường đất nền năm qua có sự điều chỉnh mạnh, cụ thể theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, giá bán tại một số dự án đã được điều chỉnh tăng ít nhất từ 2- 3 triệu/m2 so với năm 2014. Nhiều dự án có mức giá tăng từ 10 -15% nhất là ở thị trường thứ cấp. Tuy nhiên động thái tăng giá này không những không làm giao dịch thị trường chậm lại mà còn khiến nhà đầu tư háo hức đổ vào nhiều hơn trước.

Kết quả khảo sát toàn thị trường của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, đất nền tại các tỉnh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu vẫn là tâm điểm của giới đầu tư trong năm qua. Trong đó, thị trường Đồng Nai sôi động nhất với số lượng dự án và giao dịch tăng vượt bậc. Nguyên nhân là do cơn sốt đất nền sân bay Long Thành đã kéo khá nhiều nhà đầu tư đổ về đây săn đất, từ đất thổ cư, dự án cho đến đất ruộng... Hiện tại chỉ tính riêng Biên Hòa đã có hơn 18 dự án nhà đất, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch cũng liên tục gia tăng nguồn cung. Trong tương lai, Đồng Nai sẽ có đến 47 dự án nhà ở với tổng quy mô 4.850 ha. Hiệu ứng từ sân bay Long Thành cũng khiến Đồng Nai là địa phương ghi nhận tình trạng nhà đất bị thổi giá, trong khi các tỉnh còn lại luôn giữ mức ổn định, nếu có sự điều chỉnh cũng chỉ tăng từ 5-7% so với năm 2014. 

So với khu vực phía Nam, đất nền tại Hà Nội cũng ấm lên thấy rõ với nhiều dự án mới. Hàng loạt dự án tên tuổi như Aqua Bay, Five Star Mỹ Đình, Mon City (Mỹ Đình), Pandora, Vinhomes Riverside (quận Long Biên), Park City (quận Hà Đông), Starlake (quận Tây Hồ) và Gamuda (quận Hoàng Mai)… ghi nhận giao dịch tăng qua các quý. Một số dự án bán ra rất thành công dù giao dịch âm thầm.  Trong đó, giá đất nền biệt thự tại Hà Nội hiện đã giảm 0,5 - 1% so với năm 2014, dừng ở mức 48 triệu/m2, còn phân khúc nhà liền kề lại tiếp tục xu hướng tăng, trung bình tăng từ 1,5 -2 % qua các quý. Số lượng nguồn cung biệt thự, đất nền tại Hà Nội tương đối dồi dào, áp lực nguồn cung không hề nhỏ khi mà chỉ trong 3 tháng cuối năm, Hà Nội có hơn 80 dự án đất nền, biệt thự gia nhập thị trường. Chính vì vậy, dù thanh khoản ổn định nhưng doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn thận trọng găm hàng, không liều lĩnh bung ra mà chờ đợi những chuyển biến mới.

Đánh giá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng và đất nền trong năm 2015, ông Nguyễn Cao Cường, Phó TGĐ LDG Group nhận xét: “Có thể nói, năm 2015 là năm thiên thời, địa lợi, nhân hòa của BĐS nói chung cũng như đất nền và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng. Nguyên nhân tạo ra sự đột phá của hai phân khúc này trong năm 2015 có thể nói là chính sách và hạ tầng. Năm 2015 được xem là năm đột phá về chính sách khi nhiều chính sách thông thoáng cho ngành BĐS được thông qua và có hiệu lực. Trong đó, phải kể đến chính sách cho người nước ngoài được phép mua nhà, được phép chuyển nhượng dự án khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý… Năm 2015 cũng là năm hạ tầng được hoàn thiện nhiều nhất như việc mở rộng toàn tuyến quốc lộ IA, thông xe toàn tuyến đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, khởi công đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, thông qua việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành… Những dự án này đã tạo đà để BĐS của các tỉnh lân cận Tp.HCM bứt phá và có lượng giao dịch đột biến”.    

Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)

  • 0
  • By Admin
  • 06/01/2016
  • 17