Tôn tạo phố cổ: Khi chính sách không bắt kịp cơ chế thị trường
PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Long - Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị và nông thôn, người từng giữ vai trò Chủ nhiệm Đề án cải tạo mặt đứng phố Tạ Hiện.Một góc phố Tạ Hiện sau khi hoàn thành dự án cải tạo |
- Thưa ông, sau gần 1 năm hoàn thành Dự án cải tạo mặt đứng phố Tạ Hiện, ông đã thực sự hài lòng về con phố này chưa? Và nếu được làm lại, ông sẽ làm như thế nào?
Việc cải tạo thí điểm một đoạn phố Tạ Hiện nhằm bảo tồn và tôn tạo một đoạn phố, giữ gìn và phát huy giá trị kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân sống tại đó cũng như những ý kiến phản hồi qua dư luận, báo chí. Nếu làm lại thì vẫn vậy thôi, vẫn cần tôn trọng lịch sử, nghiên cứu thấu đáo rồi mới triển khai và trình duyệt các cấp có thẩm quyền và điều quan trọng đối với một đề án bảo tồn có tính xã hội hóa như dự án Tạ Hiện là cần minh bạch, dân chủ và công khai, đó là chìa khóa thành công.
- Cái khó nhất trong việc tu bổ phố cổ Hà Nội là gì, thưa ông?
Thực ra, với việc cải tạo một đoạn phố Tạ Hiện chưa nói được nhiều, nhưng qua một số đề án chỉnh trang tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, rồi tuyến phố Lãn Ông… đã cho chúng ta thấy rõ hơn cái khó trong việc tu bổ, bảo tồn phố cổ đó là cơ chế quản lý, chế độ chính sách vẫn còn khập khiễng không đồng tốc với cơ chế thị trường. Tôi chỉ xin lấy ví dụ, hiện tại, công tác cải tạo, tu bổ, bảo tồn phố cổ đang dựa vào: “Điều lệ tạm thời quản lý xây dựng bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội”- (Quyết định số 45/1999/QĐ-UBND TP Hà Nội), phàm cái gì “tạm thời” thì có thể hiểu là còn chưa chính thức, chính điều này đã gây cản trở quá lâu trong công tác quản lý xây dựng bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội.
- Chỉ cải tạo đôi ba ngôi nhà đơn lẻ như hiện nay, liệu có đủ để du khách đến với Hà Nội hình dung về 36 phố phường hay không?
Có lẽ điều dễ thấy là nếu không được hướng dẫn thì khách du lịch cũng chẳng biết đâu là những công trình có giá trị. Chúng ta cần phải cảm ơn những cư dân sinh sống ở đây (mà không phải các nhà quản lý hay thiết kế) đã tạo nên và giữ gìn bản sắc khu phố cổ Hà Nội cho tới ngày hôm nay.
- Ngoài phố Tạ Hiện, theo ông còn dãy phố nào có thể cải tạo mặt đứng nữa?
Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một đề tài nghiên cứu, nhưng nếu làm tốt công tác xã hội hóa bảo tồn khu phố cổ Hà Nội thì việc chỉnh trang toàn bộ các tuyến phố là điều hoàn toàn làm được. Hiện, những đoạn phố có giá trị kiến trúc cao không còn nhiều và ngày một mất dần.
- Có rất nhiều di tích sau khi tu bổ đã bị khoác lên một hình hài mới mẻ, không còn nhiều nét cổ kính, vậy làm cách nào để vừa can thiệp (tu bổ) vừa có thể giữ được nguyên bản (bảo tồn) công trình kiến trúc?
Trước hết cần phải phân loại di tích đó thuộc thể loại nào, từ đó xây dựng tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc trước khi bảo tồn, tu bổ. Đây chính là điểm yếu, loay hoay mãi phố cổ Hà Nội vẫn chưa làm được. Vì thế mới xảy ra tình trạng xác định nhà có giá trị ở phố cổ Hà Nội mỗi thời điểm lại khác. Đấy là chưa nói đến quy hoạch bảo tồn, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu phố cổ Hà Nội cũng làm mãi chưa xong để có cơ sở cho các công tác bảo tồn tiếp theo thực hiện. Tôi xin lấy ví dụ, tháp nước Hàng Đậu tuy không phải là một kiến trúc cổ nhưng lại có giá trị về một giai đoạn lịch sử, lại nằm ở vị trí cảnh quan đô thị lịch sử đã được xác định, nhưng việc cải tạo tháp nước Hàng Đậu vừa qua là không đúng cách - tức là không đúng với giải pháp cải tạo bảo tồn nguyên trạng cho nên đã bị dư luận phản ứng dữ dội.
- Đã có không ít công trình tu bổ nhà cổ hiện nay có vướng mắc trong việc thỏa thuận với các hộ dân sinh sống ở đó. Với phố Tạ Hiện, ông có rút ra được kinh nghiệm gì cho việc triển khai những dự án tiếp theo ở phố cổ Hà Nội không?
Trước hết cần thực hiện đúng quy trình bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị. Cần có sự trao đổi thực sự dân chủ, minh bạch, lấy lợi ích của người dân là quan trọng và mục tiêu bảo tồn là cốt lõi, có lẽ chỉ như vậy người dân sinh sống ở đây mới là nhân tố quyết định, tự nguyện nuôi giữ và phát triển những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khu phố cổ Hà Nội.
Nhà nước tổ chức thực hiện những công việc trọng điểm như công tác quy hoạch bảo tồn, tư vấn thiết kế, trực tiếp thực hiện thi công, các công việc còn lại nên xã hội hóa, đặt người dân là chủ thể trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị phố cổ Hà Nội. Khi người dân cùng đồng hành trong toàn bộ quá trình tham gia công tác bảo tồn và quản lý tại những công trình đó sẽ hạn chế được rất nhiều những vướng mắc.
- Được biết, ông cũng đồng thời là chủ nhiệm Dự án Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tại vị trí rạp Lạc Việt, 50 phố Đào Duy Từ. Công trình này, hiện tại đang được thực hiện đến đâu, thưa ông?
Dự án Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội được chúng tôi triển khai cùng thời điểm dự án Cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện, từ cuối năm 2008 đến nay. Có thể nói công trình không lớn, có quy mô từ 3 đến 4 tầng, diện tích khu đất khoảng 550m2 nhưng phức tạp về giải phóng mặt bằng, quan điểm bảo tồn…, mặt khác công trình rạp hát cổ Lạc Việt tuy đã bị cháy hủy hoại hết nhưng những phế tích còn lại cũng như vị trí địa điểm của nó lại có một giá trị lịch sử quan trọng đến đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân phố cổ Hà Nội xưa. Hồ sơ thiết kế Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội của đơn vị tư vấn thiết kế đã được duyệt, thẩm định, chỉnh sửa theo ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Hồ sơ này đã hoàn thiện và nộp Ban Quản lý phố cổ, chờ các bước tiếp theo.
- PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo ANTĐ)
- 128
- By Admin
- 24/07/2012
- 17