Tiêu chuẩn nào cho đô thị sinh thái?
Với mức sống ngày càng tăng ở các thành phố lớn, nhu cầu về một môi trường sống xanh và sạch cũng tăng lên. Nắm bắt điều này, nhiều dự án đô thị sinh thái đã được tung ra tại Hà Nội, Tp.HCM và các tỉnh lân cận.
Nở rộ đô thị sinh thái
Theo thống kê trên một trang web chuyên về bất động sản, trong tổng số 145 dự án khu đô thị đang và sẽ thực hiện tại Việt Nam, có gần 30 dự án tham gia với hình thức sinh thái. Nổi bật nhất ở khu vực phía Nam là Đồng Nai vì từ đầu năm 2009 đến nay, tỉnh có ít nhất 6 khu đô thị sinh thái được giới thiệu như Khu đô thị sinh thái Long Hưng, Cù Lao Tân Vạn, Giang Điền, Sơn Tiên, Hoa Sen, Đại Phước… Tỉnh Bình Dương đặc biệt nổi lên dự án Ecolakes. Còn Bà Rịa - Vũng Tàu, nhờ lợi thế giáp biển, đã có sự bứt phá với 14 dự án sinh thái. Tuy nhiên, những dự án ở đây đa phần phục vụ mục đích du lịch nghỉ dưỡng hơn là nhà ở.
Không có nhiều quỹ đất, nhưng một số doanh nghiệp tại Tp.HCM cũng chạy đua phát triển bất động sản sinh thái như dự án Khu đô thị thành phố sinh thái Hiển Long có diện tích 42 ha tại Nhà Bè, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Các doanh nghiệp phía Bắc cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế mới của thị trường. Một trong những dự án thu hút nhiều sự chú ý là Khu đô thị Ecopark với quy mô gần 500 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 6 tỉ USD. Ngoài Ecopark, phía Bắc còn có khoảng 20 dự án khác thuộc loại hình này.
Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DonaCoop, chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái Long Hưng, cho rằng, trong tương lai, xu hướng sống nghỉ dưỡng sẽ được thể hiện rõ nét hơn, nên việc xây dựng các khu đô thị sinh thái hiện nay là sự đầu tư mang tính đón đầu. “Quan điểm của chúng tôi là đầu tư dài hạn. Dự án Long Hưng được chúng tôi đầu tư trong thời gian gần 15 năm”, ông nói.
Theo tiêu chuẩn nào?
Một thực tế là tại Việt Nam, chưa có một hệ thống tiêu chí, hay quy định cụ thể nào cho khái niệm bất động sản sinh thái. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, có 4 nguyên tắc chính để tạo dựng một thành phố sinh thái. Đó là sự xâm phạm môi trường tự nhiên ở mức tối thiểu; đa dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; cân bằng sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường.
Ngoài ra, theo ông Bá, một dự án được xem là sinh thái còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, phải có diện tích cây xanh trên đầu người 12-15 m2. Đảm bảo nguồn cung cấp nước 150-200 lít/ngày/người, không khai thác nước ngầm quá mức, xử lý triệt để nước thải. Hệ thống giao thông và phương tiện giao thông đảm bảo tiêu chuẩn đường và mật độ đường trên số dân, dành khoảng 30% diện tích cho lưu thông, không gian thoáng. Năng lượng tái tạo được đưa vào sử dụng.
Tại Việt Nam, các dự án bất động sản sinh thái chỉ mới ở dạng bước đầu. Chưa có dự án nào được hoàn thành nên khó có thể đánh giá một cách toàn diện. Tuy nhiên, với những thông tin công bố khi giới thiệu dự án, đối chiếu với những tiêu chí trên, có thể thấy rất ít dự án đủ tiêu chuẩn để gọi là sinh thái.
Chẳng hạn, xét về diện tích cây xanh trên đầu người, Ecolakes, vốn được đánh giá là dự án sinh thái thực sự, cũng chỉ cho biết sẽ dùng khoảng 20% diện tích để làm mảng xanh. Hay dự án Kenton Residences (Tp.HCM) được chủ đầu tư cho biết có diện tích cây xanh đầu người khá cao, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 10 m2/người.
(Theo NCĐT)
- 0
- By Admin
- 05/08/2010
- 17