Tiếp thị bất động sản vẫn phải cạnh tranh khốc liệt
Để có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường các đơn vị tiếp thị, môi giới phải có những chiến lược kinh doanh cụ thể, vì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang diễn ra hết sức gay gắt.
Tự đào thải - Quy luật tất yếu của thị trường!
Thực chất, hoạt động của các doanh nghiệp tiếp thị, môi giới bất động sản là một hình thức dịch vụ, chức năng của nó là kết nối giữa các chủ đầu tư và thị trường tiêu dùng. Thực tế cũng cho thấy, từ khi Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực ngày 1/1/2007 đến nay, các đơn vị này đã đảm nhiệm rất tốt chức năng của mình trong việc phân phối và tiếp thị sản phẩm, san sẻ gánh nặng với chủ đầu tư. Điều đó một phần khẳng định vai trò to lớn của các đơn vị tiếp thị môi giới trên thị trường bất động sản hiện nay.
Thị trường BĐS biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị tiếp thị, môi giới BĐS. Nguồn: internet |
Tuy nhiên, sau một thời gian dài thị trường trầm lắng, các doanh nghiệp môi giới, tiếp thị BĐS đã phải trải qua một cuộc cạnh tranh khốc liệt không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà với cả doanh nghiệp nước ngoài. Cuộc sàng lọc này đã dẫn đến sự "ra đi" của hàng loạt những đơn vị tiếp thị môi giới lớn cả trong nước và nước ngoài. Sau một thời gian hoạt động không có hiệu quả, đồng thời do gặp không ít khó khăn như chi phí quá cao hoặc không đảm bảo tiến độ bán hàng các sàn giao dịch này đã mất dần thị phần thậm chí phải lặng lẽ đóng cửa. Về phía các đơn vị tiếp thị ngoại, có thể kể đến một loạt những tên tuổi như Knight Frank, Coldwell Banker, Jones Lang LaSalle, Colliericác...
Thị trường Bất động sản trong thời gian vừa qua không chỉ là một cuộc sàng lọc các sàn, mà còn là một quá trình sàng lọc các chủ đầu tư và các nhóm đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đã và đang làm việc không được hiệu quả. Từ năm 2013, quá trình này đã diễn ra đặc biệt quyết liệt. Theo tôi, những thay đổi này đều là những động thái tốt và hoàn toàn bình thường đối với thị trường, vì những điều chỉnh này sẽ tạo nên một lớp doanh nghiệp mới với những cách thức kinh doanh hoàn toàn mới phù hợp với quá trình phát triển của thị trường. Nguyễn Diệu Hồng- Giám đốc phát triển kinh doanh, Savills Hà Nội |
Còn về phía các đơn vị tiếp thị bất động sản trong nước, những cái tên mà hiện nay đã vắng bóng từ rất lâu, đã không còn gây được sự chú ý trên thị trường có thể kể đến như sàn của Vinaconex tại Trung Hòa - Nhân Chính, sàn của HUD tại Kim Mã, sàn của Hapulico tại Nguyễn Huy Tưởng, sàn của Dầu khí Đông Đô tại Mỹ Đình, sàn của Cienco 507 tại Trần Thái Tông…
Các doanh nghiệp tiếp thị BĐS cần phải làm gì?
Nếu có những chiến lược kinh doanh cụ thể, biết cách tự chuyên nghiệp hóa mình, mở rộng các tiện ích và trở thành một kênh hữu ích trên thị trường BĐS thì các đơn vị tiếp thị bất động sản vẫn có thể hoạt động tốt, thậm chí là rất tốt. Ngược lại, nếu doanh nghiệp nào không làm được điều đó thì việc chấp nhận phá sản có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Thời gian gần đây, thị trường BĐS được chứng kiến việc từng bước giành lại thị phần của các doanh nghiệp phân phối, tiếp thị bất động sản trong nước so với các doanh nghiệp tiếp thị nước ngoài. Điều này cho thấy sự lớn mạnh của các đơn vị tiếp thị, môi giới BĐS nội trong việc đảm đương hoạt động phân phối các dự án bất động sản tại Việt Nam.
Chủ tịch Công ty BĐS Phú Quý - một trong những sàn giao dịch BĐS đang phân phối nhiều dự án BĐS tại Hà Nội hiện nay cho biết:"Để các sàn giao dịch BĐS có thể tồn tại và phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hoạt động tốt trên thị trường hiện nay thì trước hết cần phải chú ý đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, thứ hai là nguồn lực tài chính, thứ ba là hệ thống nhân sự"...
Tình hình thị trường BĐS khó khăn và đầy biến động như hiện nay tuy đặt ra những thách thức rất lớn đối với các đơn vị tiếp thị BĐS nhưng cũng sẽ là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp này trưởng thành mạnh mẽ hơn và tự khẳng định bản lĩnh của mình trên thương trường.
- 0
- By Admin
- 05/12/2014
- 17