Tiền sử dụng đất: Điệp khúc chờ và...chờ
“Xin hỏi đã có hướng dẫn thu tiền sử dụng đất (SDĐ) ngoài hạn mức chưa?”, “không biết bao giờ mới được đóng tiền SDĐ?”, “chúng tôi chờ đã quá lâu rồi!”, “tôi không hiểu các cơ quan chức năng làm gì mà gần 2 năm rồi chưa có hướng dẫn đóng tiền SDĐ, liệu có quan tâm đến thiệt hại của người dân, có biết nỗi khổ của dân hay không?”…Đó là vài trong vô số cuộc gọi tới tấp của bạn đọc đến Báo Thanh Niên nhiều tuần qua. Điều đó phản ánh nỗi sốt ruột, bức xúc dường như đã đi quá sức chịu đựng của người dân trước việc chậm trễ ban hành hướng dẫn đóng tiền SDĐ sát giá thị trường. Bức xúc là phải, vì trong khi người dân, doanh nghiệp nhấp nhổm như “ngồi trên đống lửa” suốt 2 năm qua, thì những gì họ nhận được từ các cơ quan chức năng là thái độ nhẩn nha, rề rà đến mức bàng quan. Bởi thực tế, vướng mắc này không hề mới, mà đã nóng lên từ tháng 10.2009 khi Nghị định 69 về thu tiền SDĐ sát giá thị trường có hiệu lực. Thế nhưng đến nay, chính cơ quan ban hành nghị định còn chưa trả lời được một cách rõ ràng câu hỏi “thế nào là sát giá thị trường?” và “cách tính, cách thu sát giá thị trường ra sao?”.
Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 93 (có hiệu lực từ 15.8 vừa qua), nhưng vẫn chưa thể triển khai được vì tiếp tục giao cho từng tỉnh thành tự xây dựng hệ số về thu tiền SDĐ ngoài hạn mức theo giá thị trường. Nghĩa là người dân lại phải tiếp tục chờ. Có điều lúc này, “trái bóng” đã được chuyền về cho từng địa phương. Tại Tp.HCM, sau một thời gian tranh cãi chuyện hệ số cao hay thấp, mới đây các sở ngành đã thống nhất trình UBND TP dự thảo về thu tiền SDĐ ngoài hạn mức với hệ số gấp 2 lần bảng giá đất. Nhưng, vài tuần nay, quy định này vẫn cứ tồn tại ở dạng dự thảo, chưa biết đến bao giờ mới được thông qua và triển khai. Và tình trạng, người dân muốn đóng thuế không được, cơ quan thuế muốn thu thuế cũng chẳng xong sẽ lại vẫn tiếp tục. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay, vướng mắc về tiền SDĐ như một “cú bồi” khiến hoạt động giao dịch nhà đất thêm ảm đạm.
Việc có luật chờ nghị định, có nghị định chờ thông tư... là câu chuyện đã quá quen tại VN, thậm chí tồn tại dằng dai như muốn thách thức sức chịu đựng của người dân. Gần như chưa có một quy định nào được ban hành mà có ngay hướng dẫn. Thậm chí, quy định đưa ra, chờ được đến khi có hướng dẫn thì quy định đã trở nên lỗi thời, phải chỉnh sửa, bổ sung, nghĩa là lại tiếp tục chờ.
Trong khi đó, chưa thấy một ràng buộc trách nhiệm hay chế tài nào với cơ quan chức năng trong trường hợp chậm trễ ban hành hướng dẫn hoặc đưa ra quy định không khả thi. Chỉ có người dân luôn “hụt hơi” chạy theo kiểu làm rất thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.
(Theo Thanh niên)
- 140
- By Admin
- 19/08/2011
- 17