Tiền kẹt vì… BĐS nghỉ dưỡng!
BĐS sinh thái, nghỉ dưỡng là niềm tự hào của nhà đầu tư lắm tiền, nhiều của nhưng nó lại đang khiến nhiều người khóc dở, mếu dở... |
Đây có thể là hệ quả của một giai đoạn, một thời kỳ khá dài các nhà đầu tư đổ xô đầu tư theo tâm lý, đám đông, lũ lượt ném tiền vào các dự án nghỉ dưỡng, du lịch ở tít tận rú rừng Bắc có, Trung có, Nam có.
Nhưng điều đáng nói hơn, khi mà các nhà đầu tư tiền bối vẫn còn loay hoay với đống tài sản tiền tỷ, chưa tìm ra lối thoát thì cũng có không ít nhà đầu tư vẫn đang nung nấu ý định tìm kiếm siêu lợi nhuận từ những dự án tận núi rừng, biển xa kia.
Đã có một trào lưu nhà đầu tư đua nhau mua BĐS sinh thái, nghỉ dưỡng |
Thứ cấp mắc cạn
Hơn một năm về trước, chị Khánh Hòa - một nhà đầu tư bất động sản quyết định “xuống tiền” mua một căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Lương Sơn (Hòa Bình). 1,7 tỷ đồng là số tiền chị đã đóng được sau hơn 1 năm. Theo tính toán ban đầu của chị, có hai phương án được đưa ra. Hoặc chỉ cần ném vào một số tiền nhất định, sau đó sẽ đẩy hàng, kiếm một khoản tiền chênh nếu thị trường liên tục sốt nóng.Hai là kiên trì nộp tiền theo tiến độ, đến khi hoàn thiện dự án sẽ rao bán với một mức lợi nhuận dự tính gấp đôi gửi ngân hàng trong hơn 2 năm.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra trên thị trường hiện nay dường như đang không đi theo tính toán của chị. Tất cả các phân khúc đều chững lại, thị trường tuột dốc không phanh, trong khi đó nguồn vốn được xem như bầu sữa của đầu tư bất động sản (BĐS)là vốn ngân hàng lại đang bị khóa van chặt thít.
Hai năm rao bán, không có người mua, chị Hòa tiếp tục cong lưng lo tiền nộp tiếp đợt 4 vào tháng 8 tới. Giờ đây, chị mới thấy mỏi mệt với cái việc mà người đời xưa nay vẫn cho là một vốn bốn lời, hay là siêu lợi nhuận.
“Tháng trước tôi lên nộp tiền tại sàn giao dịch của công ty kia, gặp không ít người cũng đang đến để tìm khách hoặc bán lại căn biệt thự cho chính chủ đầu tư, chấp nhận lỗ từ 30 – 50 triệu đồng”, chị Hòa cho hay.
Trong khi đó, với anh Mạnh Huy, một người vốn đắc tâm đắc ý với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vì cho rằng, đó mới chính là kênh đầu tư siêu lợi nhuận vì quan niệm người Hà Nội càng ngày càng giàu, càng muốn hưởng thụ.
Thế nhưng, nếu như trước đây anh quan tâm tới các dự án, các buổi giới thiệu, khai trương mở bán dự án nghỉ dưỡng bao nhiêu thì giờ anh cũng chán ngấy bấy nhiêu. Anh kể, vào thời điểm cơn sốt đất Ba Vì hồi giữa năm 2010 đang ở đỉnh điểm, anh cũng
mấy người họ hàng hùn vốn mua một căn biệt thự ngay tại khu vực Tản Lĩnh với giá gần 4 tỷ đồng, tính ra trung bình khoảng 4, 5 triệu đồng/m2.
Theo tính toán của anh, nếu trừ các yếu tố lạm phát, lãi suất thì đến thời điểm nhận bàn giao nhà, căn biệt thự của anh cũng chí ít được khoảng 6 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sau hơn một năm đóng tiền, vào cuối năm tới anh sẽ nhận nhà, nhưng hiện nay, số biệt thự còn lại của dự án đang “chất đống” ra đấy, khách hàng thoải mái lựa chọn, mặc cả và giá thì cũng chỉ còn dưới 3,5 triệu đồng/m2. Lời chốt trong câu chuyện của anh Huy với người viết là “đau lắm”!
Với hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, không biết có bao nhiêu nhà đầu tư, đầu cơ lướt sóng bất động sản nghỉ dưỡng cùng chung cảnh ngộ với những người như chị Hòa, anh Huy kể trên. Nhưng, khi mà hàng loạt dự án vẫn được chủ đầu tư giới thiệu, mở bán (và cả khuyến mại) ồ ạt trong thời gian qua, không ai dám chắc rằng, số nhà đầu tư mắc cạn trên núi cùng những căn biệt thự tiền tỷ là không thể xảy ra.
Chủ đầu tư ớn lạnh!
Câu chuyện về bất động sản nghỉ dưỡng dường như không chỉ có kết cục buồn với các nhà đầu tư thứ cấp, nhỏ lẻ. Theo nhiều chuyên gia, những gì đang diễn ra đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp hiện nay hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của các chủ đầu tư.Thực ra, khi quyết định rót tiền vào các dự án của mình, không phải các chủ đầu tư không có tính toán, phân tích và cân nhắc kỹ lưỡng. Và logic của họ đó là, khi nền kinh tế ngày một phát triển, đời sống người dân ngày một nâng lên thì nhu cầu về nhà ở cũng như việc thay đổi, nâng cấp chỗ ở tăng mạnh là điều tất yếu. Và để đón đầu, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã dốc hầu bao vào các dự án bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng từ 2 - 3 năm trước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong nhiều lần gặp gỡ nhà đầu tư cũng đã nhắc đi nhắc lại, phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng hiện đã dư thừa và có dấu hiệu “ế ẩm”. Theo ông Nam, thực tế này là do lỗi của các chủ đầu tư đã thiếu tính toán, phân tích, không có được những dự báo sát với nhu cầu thị trường.
Ngay cả khi đã có những khuyến cáo của các chuyên gia, nhà quản lý, không ít doanh nghiệp vẫn dốc hết vốn liếng cho những dự án cao cấp để rồi giờ đây hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn không thể quay vòng được.
(Theo PNO)
- 0
- By Admin
- 30/06/2011
- 17