Tiền chuộc vi phạm xây dựng nên được nộp lâu dài
Xây nhà sai phép có thể bị phạt tới 1 tỉ đồng và chủ đầu tư được nộp tiền chuộc để công trình tồn tại là hai nội dung được quan tâm nhất trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm trong xây dựng (vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ). Nhiều chuyên gia cho rằng quy định được nộp “tiền chuộc” chưa rõ ràng, cần cân nhắc kỹ.
Không sinh lợi thì có bị phạt?
Nếu dùng khái niệm “số lợi bất hợp pháp” để làm căn cứ tính tiền phạt từ việc xây dựng sai phép, không phép là chưa rõ ràng và khó áp dụng. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Thế nào là bất hợp pháp? Người dân xây nhà để ở thì có gọi công trình đó làm phát sinh số lợi bất hợp pháp hay không? Có phải quy định này chỉ áp dụng nếu phần vi phạm đó mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư, như xây thêm tầng để bán, cho thuê?
Có ý kiến cho rằng nên sử dụng khái niệm “diện tích tăng thêm” hoặc “lợi ích tăng thêm” thì dễ xác định hơn. Nghĩa là nếu việc xây dựng sai phép, không phép có đem lại yếu tố lợi ích thì mới bị phạt tiền để tồn tại. Tuy nhiên, việc này cũng không đơn giản chút nào. Chẳng hạn như phía tây nắng quá nên chủ nhà làm mái che, giả sử quy định chỉ cho mở ra 1 m nhưng vì không đủ che nắng nên họ làm luôn 2 m. Phần tăng thêm này có gọi là lợi ích?
Nhiều chuyên gia cho rằng quy định được nộp “tiền chuộc” khi vi phạm xây dựng chưa rõ ràng, cần cân nhắc kỹ.
Theo tôi, nên để cơ quan tài chính của Nhà nước đứng ra xác định “số lợi bất hợp pháp” là bao nhiêu để làm căn cứ tính phạt (40% đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, 50% với dự án). Trường hợp có khiếu nại, tranh chấp về việc xác định giá thì sẽ nhờ đến cơ quan thẩm định độc lập.
Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM
Không nên cho tồn tại vĩnh viễn
Tôi cũng không đồng ý khái niệm “số lợi bất hợp pháp” để chỉ hệ quả mà việc xây dựng không phép, sai phép mang lại. Nhưng tôi tán thành nguyên tắc phạt tiền để cho công trình sai phép, không phép được tồn tại. Điều kiện tiên quyết là phần công trình này không vi phạm lộ giới, không ảnh hưởng công trình lân cận, xây dựng trên đất hợp pháp… Quy định đó sẽ gỡ được cái vướng lâu nay trong việc xử phạt nhà không phép, sai phép (có nhiều trường hợp đập thì quá cứng nhắc nhưng tha lại không có cơ sở pháp lý).
Tuy nhiên, không phải cứ nộp tiền phạt là công trình đương nhiên tồn tại vĩnh viễn và được công nhận phần vi phạm. Vì nếu làm như vậy coi chừng sẽ tạo tiền lệ xấu là cứ vô tư xây sai phép rồi nộp tiền chuộc sau. Tôi cho rằng nên áp dụng việc phạt tiền như một loại thuế, nộp lâu dài theo thời gian tồn tại của công trình. Khi nào chủ đầu tư không chịu nổi nữa thì tự tháo dỡ.
Về việc định giá trị công trình, tôi cho rằng nên dựa vào bảng giá đất và suất đầu tư do Nhà nước ban hành. Không nên đi thẩm định giá từng trường hợp vì quá chi ly, mất công mất sức và có nhiều yếu tố phức tạp khác nữa.
Ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh
Nên phạt 100%
Tôi cho rằng giải pháp này chấp nhận được nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp không gây ảnh hưởng đến ai, tức là công trình hoàn toàn có thể được điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc cấp phép xây dựng nhưng vì lý do gì đó mà chủ đầu tư không thực hiện. Giải pháp này không nên áp dụng cho mọi tình huống sai phép, không phép. Đừng để nảy sinh tâm lý “có thể dùng tiền để chuộc vi phạm”.
Riêng về tỉ lệ nộp phạt, tôi kiến nghị nên phạt 100% giá trị của phần xây dựng sai phép, không phép thay vì 40%-50% như dự thảo. Bởi lẽ ra phần này theo quy định pháp luật là phải đập bỏ. Do đó, không cứ gì chỉ nộp 40%-50% vì xét ra việc phải tháo dỡ nặng nề hơn nhiều về vật chất lẫn tinh thần. Việc buộc phải nộp phạt bằng toàn bộ phần sai phép cũng có tác dụng răn đe cao khiến những người khác không dám vi phạm.
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư Tp.HCM
- 177
- By Admin
- 05/07/2013
- 17