Thường trú Tp.HCM, phải thuê nhà 8-16 m²/người: Không tưởng!
* Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức): Không thể thuê nhà lớn
Vợ chồng tôi vào Tp.HCM làm công nhân trên 10 năm, lương hai vợ chồng cộng lại khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Hiện chúng tôi đã có một con gái và đang thuê phòng trọ khoảng 12m2. Mỗi tháng tiền thuê phòng và điện, nước tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Con tôi đến tuổi đi học, vợ chồng tôi muốn đăng ký hộ khẩu thường trú để việc học của con thuận tiện hơn. Nếu đáp ứng đủ chuẩn diện tích nhà ở như Sở Xây dựng đề xuất thì gia đình tôi phải thuê một căn hộ gần 50m2, tốn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Với thu nhập như hiện nay, chúng tôi không có đủ tiền thuê nhà lớn hơn.
Chị Hà Thị Hường (38 tuổi, quê Bến Tre) ở trọ cùng chồng tại P.1, Q.10, Tp.HCM với diện tích khoảng 14m2 gần 10 năm nay. Nếu áp dụng theo đề xuất của Sở Xây dựng TP thì gia đình chị không thể nhập hộ khẩu vào đây |
Không chỉ gia đình tôi mà nhiều người cùng làm công nhân lâu năm như anh, chị, bạn bè quanh tôi cũng không đủ tiền thuê nhà lớn cho đủ diện tích nhập hộ khẩu. Tôi nghĩ quy định diện tích 16 m2/người là quá cao. Nhiều gia đình có hộ khẩu quanh nơi tôi trọ cũng ở sáu hoặc bảy người trong căn nhà trên dưới 50m2 mà họ vẫn sắp xếp sinh hoạt bình thường, không chật chội.
* Ông Ngô Thái Bình (P.14, Q.Tân Bình): 16 m2 nhà/người là quá rộng
Tính đến nay tôi làm việc và sinh sống tại Tp.HCM gần 13 năm. Hiện bốn người trong gia đình tôi và một người cháu đang thuê căn hộ 45m2 tại P.14, Q.Tân Bình. Trong diện tích này chúng tôi sống và sinh hoạt khá thoải mái. Nếu áp dụng theo tiêu chuẩn 16 m2 sàn/người do Sở Xây dựng đề xuất thì năm người gia đình tôi phải thuê căn nhà rộng 80m2, sẽ rất phí trong điều kiện kinh tế của chúng tôi còn khó khăn.
Ngoài chi phí thuê nhà, gia đình tôi còn rất nhiều khoản chi khác hằng tháng và phải tích lũy để dành cho con cái học hành sau này. Nếu vì hộ khẩu, chúng tôi phải thuê nhà lớn để đủ điều kiện đăng ký thì chắc rằng chúng tôi sẽ không còn điều kiện tích lũy, rồi sau đó cũng sẽ phải đổi sang thuê nhà nhỏ hơn.
16 m2/người là diện tích bình quân nhà ở trên toàn TP do các cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng. Nhưng có bao nhiêu phần trăm trong diện tích đó hiện nay vẫn còn bỏ trống, bỏ hoang hoặc rơi vào tay giới kinh doanh bất động sản? Người lao động bình thường liệu mấy người có được chỗ ở 16m2? Phải chăng chỉ có người giàu mới được làm công dân TP, trong khi người lao động ở các tỉnh chiếm 2/3 số lao động trong các nhà máy, xí nghiệp của TP mới là lực lượng chính để bảo đảm nguồn lao động của TP?
* Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong (đội trưởng đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.Bình Tân): Gây khó cho người lao động
Tại Q.Bình Tân, số hộ dân có nhà nằm trong diện tích dự phóng các tuyến đường tương đối nhiều. Do đó diện tích thực tế sử dụng của các hộ dân lớn, nhưng theo quy định thì diện tích nằm trong quy hoạch không được tính vào tổng diện tích, điều này sẽ gây khó khăn cho dân nếu áp dụng quy định bình quân 16m2.
Đó là chưa tính tới việc các hộ dân ở thuê, ở nhờ, mượn nhà thường rất khó khăn, thực tế là có những hộ gia đình 3-4 người nhưng chỉ thuê được phòng diện tích 12m2 và sống chung trong đó. Họ không thể nhập hộ khẩu nếu áp dụng quy định theo tờ trình, nhưng thực tế họ vẫn có thể đăng ký tạm trú và sinh sống, làm việc bình thường, vì đăng ký tạm trú không bị giới hạn diện tích.
Như vậy quy định diện tích lớn quá sẽ chỉ làm khó khăn hơn cho người dân chứ khó đạt được mục đích điều tiết dân cư, vì thực tế dù có hộ khẩu hay không họ vẫn sống, làm việc theo nhu cầu thực tế. Quy định phân biệt nội, ngoại thành cũng gây khó cho dân. Vì ở nội thành diện tích hẹp hơn lại quy định diện tích bình quân cao gấp hai lần ngoại thành nơi diện tích nhà, đất còn rộng rãi hơn.
Nếu quy định ngoại thành thấp hơn với mục đích giãn dân cũng khó, mà có thể tạo kẽ hở cho người dân đi đường vòng, nhập hộ khẩu vào huyện, sau đó chuyển vào quận do quy định chuyển hộ khẩu từ các huyện vào các quận trung tâm không bị giới hạn diện tích.
* Thượng tá Lê Đình Phong (phó trưởng Công an Q.Gò Vấp): Dân sẽ đối phó
Trên thực tế tại Q.Gò Vấp, các phòng trọ rộng 8-12m2 đã có 3-4 người ở, những người này sẽ không có khả năng nhập hộ khẩu nếu áp dụng theo tờ trình của Sở Xây dựng TP. Để đối phó họ có thể đứng tên một mình thuê nhà, nhập hộ khẩu, sau đó nhập hộ khẩu cho chồng/vợ và con vào theo diện người thân, vì nếu nhập hộ khẩu cho người thân thì không bị giới hạn diện tích sàn.
Do đó quy định diện tích lớn sẽ gây khó cho người lao động, khiến họ phải tìm cách đi đường vòng, gây mất thời gian cho dân và cho cả cơ quan quản lý. Trên thực tế dù có hộ khẩu hay không, họ vẫn phải sống gần nơi họ làm việc, quy định về giới hạn diện tích nhằm hạn chế nhập cư vào nội thành khó phát huy hiệu quả. Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu các giải pháp có tính chiều sâu, đồng bộ để phát triển khu vực ngoại thành, tạo điều kiện thuận lợi về công việc, chỗ ở để thu hút dân chứ không nên áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 12: Quá cao so với thực tế “Chuẩn” diện tích nhà tối thiểu như hiện nay (tức 5 m2/người) do các cơ quan chức năng đưa ra vào năm 2010. Mấy năm nay do khủng hoảng kinh tế, thu nhập của người dân không cao hơn thời điểm năm 2010. Đời sống chưa được cải thiện nên người lao động chưa có khả năng thuê chỗ ở rộng hơn. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đề xuất diện tích tối thiểu 16m2 sàn/người cũng quá cao so với những tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp hiện tại. Trung bình căn hộ nhà ở xã hội rộng 40m2 cho một gia đình bình thường bốn người ở, bình quân chỉ có 10m2 sàn/người. Nếu tiêu chuẩn trên được HĐND TP thông qua thì bản thân người thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội của Nhà nước cũng không đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú. Từ đó cho thấy chuẩn 16m2 sàn/người do Sở Xây dựng đưa ra là quá cao so với thực tế. Chuẩn quá cao này gây khó khăn cho người dân hơn. |
- 0
- By Admin
- 08/07/2014
- 17