Thương gia Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào BĐS tại Nhật Bản
Gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào thị trường bất động sản Nhật Bản khiến dư luận nước này lo ngại, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết.Cơ hội vàng
Năm 2010, sau hai năm ảnh hưởng từ cú sốc sụp đổ của đại ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ, giá bất động sản tại Nhật Bản giảm đến 30%. Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc rủng rỉnh tiền bạc và ít bị tổn thương vì cuộc khủng hoảng tín dụng.Tại Nhật Bản, khả năng vay ngân hàng lại rất hạn chế. Theo ông Tsutomu Horiuchi, Giám đốc tài chính của Mori Building, thậm chí với một hãng có tài sản trị giá 10 tỷ USD, việc vay vốn ngân hàng dài hạn vẫn rất khó khăn, nhưng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Năm 2010, Trung Quốc ba năm liên tục dẫn đầu về đầu tư tại Nhật Bản. |
Mặt khác, Nhật Bản quy định lỏng lẻo, còn Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các chính sách về bất động sản. Đến giữa tháng 1/2011, ít nhất 68/70 thành phố của Trung Quốc thực hiện chính sách hạn chế số căn hộ mà một gia đình được phép mua. Giá nhà ở thành phố tăng trung bình trên 10%, cao nhất là 21,6%.
So với giá cả “trên trời” ở Hongkong, Singapore và nhiều khu vực ở Trung Quốc đại lục, giá nhà ở Nhật thấp hơn và mức sinh lãi cũng ổn định hơn. “Mức giá bất động sản ở Nhật tương đối hấp dẫn, mức sinh lãi cũng rất ổn định. Điều này ngược lại với thị trường Trung Quốc đại lục và Hongkong, chứa nhiều rủi ro và các yếu tố chính sách mà không ai có thể dự đoán được”, Ben Cha, Tổng Giám đốc của HKR Japan phát biểu.
Còn theo ông Akihiro Yasuda, chuyên gia phân tích thuộc công ty Statsia Capital, việc đồng nhân dân tệ tăng giá gần đây cũng thúc đẩy giới đầu tư Trung Quốc quan tâm hơn tới tài sản ở nước ngoài.
Tờ Financial Times cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tranh thủ những cơ hội vàng trên để mua bất động sản ở Nhật Bản và trở thành “mốt” trong giới thượng lưu Trung Quốc.
Miếng mồi ngon
Với 70% diện tích là núi phủ rừng, cho nên rừng ở đất nước mặt trời mọc này ít được quan tâm. Mặt khác, nhập gỗ xây nhà lại còn rẻ hơn khai thác gỗ trong nước. Do đó, trong mấy năm trở lại đây, giá rừng Nhật Bản giảm sụt mạnh, và cũng không có quy định đặc biệt gì về quốc tịch người mua, chính quyền cũng không kiểm tra gì kỹ càng những khu rừng bán.Chính vì vậy, hàng ngàn ha rừng và khu sinh thái trở thành miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư Trung Quốc, khi mà nước này đang khát gỗ và các mạch nước ngầm. Nhưng một yếu tố quan trọng hơn phải kể tới là tiềm năng kinh doanh của việc đầu tư vào bất động sản Nhật.
Theo công ty bất động sản Stasia Capital của Nhật Bản, trong những cuộc hội thảo về đầu tư vào bất động sản ở Nhật mà họ tổ chức tại Trung Quốc, nhu cầu của các nhà đầu tư Trung Quốc lớn hơn kỳ vọng.
Du lịch và bất động sản ở Nhật Bản là hai lĩnh vực thu hút đầu tư lớn từ Trung Quốc. |
Từ đảo Hokkaido ở phía Bắc tới đảo Fukuoka ở phía Nam Nhật Bản, các đại lý nhà đất đều cho biết, khách hàng của họ phần lớn đến từ Trung Quốc. Những vị khách ngoại này có thể mua nhà để trực tiếp sử dụng, hoặc mua để đầu tư.
Từ năm 2007, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục và Hongkong mua hai khu trượt tuyết, 5 sân golf, 5 khách sạn, và một loạt trung tâm trị liệu bằng nước khoáng ở những khu du lịch gần núi Fuji.
Chitose, một thành phố nhỏ với 93.000 dân ở hòn đảo cực Bắc - Hokkaido (Nhật Bản), không phải là lựa chọn hàng đầu của những gia đình Nhật muốn tìm mua nhà trong nước, nhưng đối với người Trung Quốc, đây là nơi khá lý tưởng để có một căn nhà phục vụ cho những kỳ nghỉ.
Khi 17 căn nhà ở Chitose được rao bán, chỉ chưa đầy một tuần, số nhà này nhanh chóng được những khách hàng giàu có đến từ Trung Quốc mua hết. Giá mỗi căn nhà dao động quanh mức 30 triệu Yen (khoảng 353.000 USD).
Theo nhận định của một chuyên gia đăng trên tờ Le Monde của Pháp, các thương vụ nói trên được thực hiện qua những người Trung Quốc định cư tại Nhật hoặc thông qua các công ty đầu tư đăng ký tại Australia.
Ông Tooru Ueshima thuộc đại lý nhà đất US Management cho biết: "Tuy giá nhà ở Nhật giảm mạnh trong nhiều năm qua, nhưng giá thuê lại không giảm. Do đó, mua nhà rồi cho thuê, đem lại mức lợi nhuận 8 - 10% mỗi năm so với khoản tiền bỏ ra để mua căn nhà đó. Mà điều này thì không thể có ở thị trường Trung Quốc."
“Ở Thượng Hải, thành phố đắt đỏ bậc nhất ở Trung Quốc, mức lợi tức phổ biến cũng chỉ vào khoảng 2 - 3% mỗi năm. Trong trường hợp lạm phát như hiện nay, số tiền thu về từ việc cho thuê nhà không đủ bù cho tiền lãi vay mua ngôi nhà đó”, ông Akihiro Yasuda, chuyên gia phân tích thuộc công ty Statsia Capital cho biết.
Mua căn hộ ở Nhật để cho sinh viên Trung Quốc thuê là một xu hướng nữa trong giới đầu tư bất động sản Trung Quốc. Theo ông Michihiro Abe thuộc China Investment Management, sinh viên Trung Quốc học tại Nhật có nhu cầu thuê nhà rất lớn, nhưng do không giỏi tiếng Nhật và không có người bảo lãnh nên rất khó thuê nhà từ chủ nhà địa phương.
Ngoài ra, sau khi hai nước nới lỏng các quy định về thị thực ngày càng có nhiều du khách Trung Quốc tới Nhật. Nhu cầu thuê nhà tăng đáng kể.
Người Nhật thấy gì
Theo Kyodo, trước việc các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào mua bất động sản của Nhật Bản, đặc biệt là khi 400 ha rừng trên đảo Hokkaido rơi vào tay người Trung Quốc vừa qua, tuy diện tích không lớn, nhưng xu hướng hiện nay khá mạnh, đã làm dư luận Nhật Bản lo ngại đến nỗi làm dấy lên cả một cuộc thảo luận trong đảng cầm quyền về biện pháp đưa ra để kiểm soát việc nguời nước ngoài mua đất dai và nhà cửa ở Nhật Bản.Khu nghỉ dưỡng tại Sapparo, thủ phủ Hokkaido đang thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. |
Trên các diễn đàn trực tuyến Nhật, nhiều cư dân mạng cảnh báo: Tung Quốc muốn mua cả Nhật Bản, Nhật bị Trung Quốc nắm được điểm yếu. Để trấn an dư luận, Tokyo cho thành lập một ủy ban đặc trách nghiên cứu lại các quy định hiện hành, yêu cầu đầu tháng 3 tới sẽ phải có các báo cáo đầy đủ trình lên Quốc hội nước này.
Tuy nhiên, cũng có người ủng hộ động thái đó của Trung Quốc, cho rằng “chính các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ hâm nóng thị trường nhà đất Nhật Bản vốn ảm đạm nhiều năm nay”, tờ Jiji Press cho hay.
(Theo Đất Việt)
- 169
- By Admin
- 02/03/2011
- 17