• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thuế thu nhập từ việc bán nhà của cá nhân không cư trú

Nếu cháu gái tôi bán được nhà thì tôi có phải về Việt Nam để ký giấy tờ nữa hay không (tôi còn đứng tên giấy tờ nhà)? Khi sang tên cho chủ mới thì có bị đóng thuế cao hơn và sau này nếu muốn hủy bỏ giấy ủy quyền thì có được không? Nhà của tôi có bị tịch thu hoặc gặp rắc rối gì về sau?

Nghe nói luật Việt Nam bây giờ cho người dân được mang 2 quốc tịch đúng không? Chân thành cảm ơn. (Thu Nga)

- Trả lời:

Trong trường hợp bạn ủy quyền cho cháu gái bạn được nhân danh, thay mặt bạn toàn quyền định đoạt căn nhà do bạn đứng tên như bán, tặng cho, cho thuê… thì bạn không phải trực tiếp ký lên các giấy tờ trong các giao dịch liên quan đến căn nhà của bạn trong thời hạn bạn đã ủy quyền cho cháu gái bạn vì cháu gái bạn đã nhân danh, thay mặt bạn ký lên các giấy tờ có liên quan để thực hiện giao dịch trong phạm vi ủy quyền.

Nếu cháu gái bạn hoàn tất việc bán căn nhà trên theo giấy ủy quyền của bạn nêu trên thì hợp đồng ủy quyền của bạn đương nhiên chấm dứt theo quy định tại khoản 2 điều 589 Bộ luật dân sự là “công việc ủy quyền đã hoàn thành”.

Giả thiết bạn đã làm giấy ủy quyền cho cháu gái bạn nhưng cháu gái bạn chưa thực hiện các giao dịch trong phạm vi ủy quyền và bạn muốn hủy bỏ giấy ủy quyền thì theo quy định tại khoản 1 điều 588 Bộ luật dân sự, trong trường hợp ủy quyền có thù lao, bạn có quyền đơn hủy giấy bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho cháu gái bạn tương ứng với công việc mà cháu gái bạn đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bạn có thể hủy giấy ủy quyền bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho cháu gái bạn một thời gian hợp lý.

Trường hợp cháu gái bạn đang cho thuê căn nhà trên thì bạn phải báo bằng văn bản cho người đang thuê nhà biết về việc bạn hủy giấy ủy quyền; nếu bạn không báo thì hợp đồng với người đang thuê nhà vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người đang thuê nhà biết hoặc phải biết về việc giấy ủy quyền đã bị chấm dứt.

Trong trường hợp bạn làm hợp đồng ủy quyền tại phòng công chứng, khi muốn hủy bỏ hợp đồng ủy quyền, ngoài các điều kiện trên bạn phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được ủy quyền (điều 44, Luật công chứng 2006 việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng).

Khi bạn bán căn nhà trên thì bạn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân nếu nhà ở trên là nhà ở duy nhất của bạn theo quy định tại khoản 1 điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Đặt giải thiết bạn phải nộp thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp bạn đã di dân thì cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ việc bán căn nhà trên tương tự như cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú trong trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản quy định tại khoản 2 điều 14 Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng bất động sản. Thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản nhân với thuế suất 2% (điều 14, điều 23, điều 29 Luật thuế thu nhập cá nhân).

Mặc dù bạn chuẩn bị di dân nhưng theo quy định của Luật quốc tịch số 24/2008/QH12 ngày 13-11-2008 của Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2009, bạn vẫn có thể nhập quốc tịch của nước bạn di dân và đồng thời giữ quốc tịch Việt Nam.

Hiện nay, Nhà nước không có chính sách tịch thu nhà đối với những người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài. Ngoài ra, trong trường hợp bạn đã nhập quốc tịch nước ngoài thì bạn vẫn có thể sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư theo quy định tại điều 126 Luật nhà ở. Cụ thể:

“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định tại khoản 1 điều này đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ”.

Theo Tuổi Trẻ Online

  • 283
  • By Admin
  • 19/02/2009
  • 17