Thuế nhà đất: Cần phân biệt đầu cơ và đầu tư
Một khu đô thị kiểu mẫu ở Hà Nội. Ảnh: LN |
Một trong những mục tiêu hàng đầu của Luật Thuế nhà, đất là trở thành công cụ quản lý vĩ mô để có thể hạn chế tình trạng đầu cơ, nhà đất, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, với mức thuế suất khởi điểm dự kiến 0,03% là không đủ mạnh để có thể đạt được mục tiêu trên.
Hơn nữa, ở nhiều nước trên thế giới, mức đầu tiên trong hạn mức tính thuế là 1%, trong khi mức lũy tiến cao nhất của dự thảo Luật Thuế nhà, đất của chúng ta cũng mới chỉ 0,09%. Vì vậy, có một số thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nâng mức trần của thuế lũy tiến cao hơn 0,09% mới hy vọng khuyến khích người dân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và chống được đầu cơ.
Tuy nhiên, lật lại vấn đề, nhiều thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tại sao lại phải đặt mục tiêu ngăn chặn đầu cơ, bởi suy cho cùng, thì đó có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không?
Ông Trần Hồng Việt (ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng, khi một người dân có tiền mua nhà “để đấy” cũng không khác gì một người có tiền mua vàng hay mua USD cất giữ. Vậy, tại sao người mua nhà lại phải đóng thuế và bị quy vào diện “đầu cơ” (?!).
Ông Việt cho rằng, trong kinh tế thị trường không có khái niệm đầu cơ. Một doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh, đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước thì không ai có thể cản trở họ kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Và càng không nên “gắn” cho họ cái tội đầu cơ.
Cùng quan điểm trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm “đầu cơ”. Tuy nhiên, thực tiễn nhiều nước có nền kinh tế phát triển cho thấy, đầu cơ là một “thuộc tính” của kinh tế thị trường, nó luôn song hành cùng cơ chế thị trường.
Thậm chí, theo ông Hiển, ở một góc độ nào đấy, đầu cơ có thể xem là yếu tố có vai trò kích thích cho kinh tế thị trường phát triển.
Một thành viên khác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói, trên thực tế nhà cũng là một tài sản. Có rất nhiều tài sản xa xỉ khác lại không thuộc diện phải chịu thuế hoặc có đánh cũng chỉ đánh một lần đầu, trong khi nhà ở cớ sao lại phải chịu thuế hàng năm.
- 0
- By Admin
- 29/09/2009
- 17