• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thuế biệt thự bỏ hoang: Không cần thiết!

Đối tượng chưa rõ ràng

Trước hết cần minh định đối tượng đánh thuế, làm rõ phạm vi vấn đề được đề cập. Để làm việc này, có lẽ phải bắt đầu từ định nghĩa biệt thự “bỏ hoang”. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 1996), “bỏ hoang” là “(ruộng đất) bỏ không trồng trọt, không sử dụng trong một thời gian dài”. Phải chăng thuế sẽ thu vào tất cả các biệt thự không sử dụng trong một thời gian dài? Nếu đúng vậy một câu hỏi tiếp sẽ nảy sinh: tại sao lại chỉ thu vào biệt thự, không thu vào các loại nhà cửa khác cũng lâu ngày không sử dụng?

Tuy nhiên căn cứ vào những ý kiến đã công khai phát biểu về đề tài này, có thể thấy đối tượng bàn luận không phải là biệt thự bỏ hoang nói chung, mà hầu như chỉ nhằm vào biệt thự (không thấy nói tới cao ốc) trong các dự án đầu tư các khu đô thị mới thực hiện chậm chạp so với tiến độ dự kiến, hoặc xây dựng dở dang thì tạm ngừng, hoặc đã xây dựng xong nhưng chưa bán được, hoặc có thể đã bán nhưng người mua chưa đến ở. Cũng không thấy đề cập tới biệt thự riêng lẻ được xây dựng tại các khu dân cư cũ. Tóm lại, chúng ta định ban hành một sắc thuế mới, nhưng đối tượng của nó còn khá lờ mờ. Đề bài chưa rõ nghĩa, làm sao bàn luận và giải?

Có cần thiết không?

Tạm cho rằng sắc thuế mới này chỉ đánh vào các biệt thự được gọi là “bỏ hoang” trong các dự án khu đô thị mới như nêu ở trên, thì theo lý thuyết thuần túy, thuế này sẽ thúc đẩy nhà đầu tư quan tâm đẩy nhanh tốc độ xây dựng và tiêu thụ những biệt thự đã hoàn thành, thúc đẩy những người đã mua nhà mau mau dọn đến ở hoặc cho thuê hay cho ở nhờ. Nhưng cuộc sống thực tế không đơn giản như lý thuyết.

Đối với nhà đầu tư, rút ngắn chu kỳ đầu tư luôn là kỳ vọng. Ai bỏ vốn ra kinh doanh mà không muốn thu hồi vốn và lãi nhanh, bởi đó là điều kiện không ngừng tái đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát và thị trường bất động sản trầm lắng hiện nay, huy động vốn để đầu tư tiếp đã khó, thu hồi vốn qua tiêu thụ càng khó hơn. Một số doanh nghiệp địa ốc đang đứng trước nguy cơ phá sản. Cho nên thuế dự kiến ban hành (và cả các loại thuế hiện hành) cần góp phần giúp cho các nhà đầu tư vượt qua khó khăn trước mắt, không nên đẩy họ vào thế bí hơn.

Thực ra thuế mới này cũng không cần thiết, bởi từ năm 2012, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Từ đó trở đi, tiến độ đầu tư cứ chậm một năm thì chi phí đầu tư lại cộng thêm tiền thuế sử dụng đất một năm. Vậy là nhà đầu tư luôn được thúc giục sớm kết thúc chu kỳ đầu tư. Đó là chưa nói tới chi phí vốn của số vốn bị đọng trong những nhà “bỏ hoang” đó.

Một điển hình như ít được chú ý là tình trạng “bỏ hoang” như nêu trên luôn là hiện tượng nhất thời, không xảy ra thường xuyên. Chúng ta có nên bỏ công sức để xây dựng và áp dụng trong thực tế một sắc thuế luôn phải chạy theo những hiện tượng thay đổi như thế? Đó là chưa nói tới phải giải quyết rất nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp có liên quan. Chỉ riêng định nghĩa “bỏ hoang”, định giá tính thuế, định thuế suất, sao cho dễ hiểu, dễ làm và có sức thuyết phục đã không hề đơn giản. Rồi còn biện pháp hành thu. Ngoài hiệu quả xã hội, cũng cần tính tới hiệu quả kinh tế. Nộp thuế thì thu nhập của dân tất giảm, nhưng ngân sách có thể cũng không tăng, thậm chí lỗ, nếu chi phí thu thuế lớn hơn số thuế thu được.

Chỉ là mong muốn chủ quan!

Có người còn nói đến những tác dụng tích cực của thuế mới này. Nào là chống đầu cơ, chống lãng phí nhà đất, nào là điều tiết thu nhập của các “đại gia”, rồi cải thiện mỹ quan đô thị, thậm chí cả phòng chống tệ nạn xã hội! Song hầu như tất cả những điều đó đều chỉ là mong muốn chủ quan, chưa thấy có những tài liệu chứng minh những tiêu cực là do biệt thự “bỏ hoang” gây ra. Cũng chưa thấy chứng minh rằng chỉ có đánh thuế này mới giúp thanh toán được những tiêu cực đó. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hệ thống pháp luật hiện nay có đủ những quy định để “xử” biệt thự bỏ hoang, vậy sao không “xử”? (Nhưng đấy lại là đề tài cho một bài khác).

Có người kỳ vọng vào thuế mới này trong chống đầu cơ. Thực ra chủ đề dùng thuế để hạn chế đầu cơ đã được thảo luận nhiều trong quá trình soạn thảo và thông qua dự luật Thuế Nhà đất mấy năm trước. Sở dĩ trước đây và cả bây giờ chuyện này vẫn cứ phải bàn bởi nhiều người vẫn còn những ngộ nhận về đầu cơ, vẫn lẫn lộn đầu cơ với thương mại. Theo Luật Hình sự, đầu cơ là một tội, khi hành vi thương mại trở thành hành vi thu gom, găm giữ hàng hóa, gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo để trục lợi. Cho nên chống đầu cơ phải dựa vào Luật Hình sự, không phải dựa vào luật thuế. Còn thương mại là một nghề cần thiết và quan trọng trong kinh tế thị trường.

(Theo TBKTSG)

  • 0
  • By Admin
  • 20/06/2011
  • 17