Thực thi Dự án sông Hồng: Trước hết phải an dân
Không thể coi các hộ đang sinh sống ngoài bãi sông đều là cư trú trái phép Theo bài toán “giải quyết vấn đề người dân cư trú trái phép trong khu vực sông” mà dự án sông Hồng đề cập, có hơn 39.100 hộ với khoảng 170.000 dân sẽ thuộc đối tượng “di dời đến khu vực trong đê để an toàn với nạn lũ”. Ông Nguyễn Văn Bức (Tổng giám đốc Cty CP Tư vấn quốc tế và Xây dựng giao thông Hà Nội) không đồng tình với quan điểm này. Ngược lại, theo ông, không nên coi những hộ gia đình có nhà ở ngoài bãi sông đều là cư trú trái phép. Ông phân tích: Lịch sử đô thị hóa của Hà Nội đã xác định các khu vực ngoài đê là đơn vị hành chính như phường Tứ Liên, Chương Dương, Phúc Xá, Phúc Tân… Một số khu dân cư như khu Phúc Xá, khu Đầm Trấu được xây dựng mới theo quy hoạch… Do vậy khi dự án lập phương án đền bù, GPMB để xây dựng các đô thị phải tuân theo Luật Đất đai. Các hộ gia đình có hộ khẩu, giấy phép sử dụng đất (sổ đỏ), có giấy phép xây dựng được coi là cư trú hợp pháp và phải đền bù nhà đất thỏa đáng. Ông Bức cũng cho rằng dự toán kinh phí cho công việc GPMB, tái định cư (1.564 triệu USD) mà dự án sông Hồng nêu chắc chắn là không đủ, không phù hợp với chi phí thực tế. Kinh nghiệm ở các dự án cải tạo đô thị khu vực nội thành cho thấy chi phí đền bù các hộ gia đình có quyền sở hữu hợp pháp về nhà - đất thường phát sinh rất lớn so với dự toán ban đầu, thậm chí vượt quá khả năng tài chính của các chủ đầu tư. GS.TS Nguyễn Tài (Đại học Dân lập Phương Đông) thì lại đưa ra một lý do khác nghi ngờ về tính khả thi của bài toán di dân: Dự án đề xuất trong các năm 2008 - 2020 TP Hà Nội chịu trách nhiệm về thủ tục hành chính, đền bù, di dân là việc làm quá sức, không tưởng so với năng lực của TP hiện nay. Ông Tài so sánh: Một đường vành đai 3 mà 10 năm TP Hà Nội còn làm không xong… Không thể chấp nhận chỉ tiêu đất ở bình quân chỉ hơn 10m2 Nối tiếp sự hồ nghi nói trên là sự thiếu tin tưởng của các chuyên gia về phương án đền bù. Trước đề xuất của dự án sông Hồng (một là bồi thường trực tiếp, bằng tiền mặt, đất hoặc căn hộ. Hai là bồi thường gián tiếp, dự án sẽ cho khoảng 29.000 hộ dân thuê dài hạn căn hộ từ 60 - 105m2) TS Nguyễn Hoàn đặt vấn đề: Trong tổng số 39.100 hộ phải di dời, chỉ có khoảng 29.000 hộ được bố trí tái định cư, vậy 10.100 hộ nữa sẽ giải quyết ra sao? Ông Hoàn bức xúc: Người dân bị di dời sẽ lâm vào cảnh không nghề nghiệp, không tài sản, trở thành giai cấp vô sản, con cái thiếu học hành... Đây là bài học đúc rút được từ thực tế giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Dự án này không nên lặp lại. TS Đào Ngọc Nghiêm thì cảnh bá Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính, không thể chấp nhận đất ở bình quân chỉ mới hơn 10m2/người. Hơn nữa, các làng nghề, điểm dân cư truyền thống dự án sông Hồng chưa làm rõ giải pháp xử lý. Thay vì đưa ra đề xuất cụ thể, GS.TS Nguyễn Thế Bá (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) chỉ thừa nhận: “Vấn đề GPMB, tái định cư hết sức khó khăn, phức tạp. Tìm được lời giải tốt về cơ chế chính sách của Nhà nước đối với các chủ đầu tư và người dân không hề dễ dàng”. Với dự án sông Hồng, Hà Nội có sức cạnh tranh quốc tế ? Cũng theo đề xuất của dự án sông Hồng, việc xây dựng tuyến đê mới sẽ phát sinh quỹ đất (so với đê hiện hữu) 2.462ha để phát triển đô thị. Diện tích này được quy hoạch xây dựng các khu cư trú hiện đại, cung cấp nhà ở cho khoảng 97.000 hộ gia đình, đầu tư các công viên cây xanh, trung tâm trung chuyển hàng hóa phức hợp, trung tâm thương mại, văn hóa hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế… Tuy nhiên GS.TS Lâm Quang Cường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) không đồng tình với đề xuất này bởi ông cho rằng khu vực sông Hồng là khu vực yên tĩnh của Hà Nội. Việc tạo thêm diện tích đất xây dựng nhà ở và công trình công cộng trong khu vực không phải là mục đích chính của dự án. Do đó đô thị trong khu vực này phải có mật độ xây dựng thấp, tầng cao vừa phải, tốt nhất là xây dựng nhà biệt thự, nhà vườn cao 2 - 3 tầng, chung cư 10 - 12 tầng. Ông Nguyễn Thế Bá thì chia sẻ quan điểm: “Đô thị hiện đại không phải ở hình thức đơn thuần của các công trình cao hay thấp tầng, lớn hay nhỏ mà là những tư tưởng mới trong tổ chức cuộc sống hiện đại, hấp dẫn. Hà Nội đang cần những điều đó và cần cả những gì làm cho khu vực sông Hồng phù hợp với Thủ đô Hà Nội mang tính truyền thống, tính dân tộc cao và phát triển tầm cỡ quốc tế trong thế kỷ XXI”.
GS Nguyễn Thế Bá: Đây là một dự án rất lớn không thể khoán trắng cho một ai mà cần phải có sự chỉ đạo hỗ trợ với sự tham gia của cộng đồng, của Nhà nước dù là các chủ đầu tư xây dựng loại nào. Phương án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đang gây nên nhiều dư luận khác nhau. Đề án có phương án tốt cần có sự đánh giá chính xác hơn, có trách nhiệm của từng loại chuyên môn trong quy hoạch, có ý kiến thẩm định cụ thể được TP chính thức giao nhiệm vụ. Cần có nhiều cán bộ chuyên môn Việt Nam tham gia sâu rộng hơn để có thể vừa học hỏi kinh nghiệm và phương pháp công tác vừa là để thẩm định chung chất lượng của dự án. Phải nghiên cứu kỹ để có quyết định chuẩn xác trước khi trình TP và Nhà nước phê duyệt. |
|
Theo Báo Xây dựng |
- 0
- By Admin
- 23/12/2008
- 17