• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thừa xi măng… vẫn cho tăng công suất?

Đồng lọai tăng công suất
 
Dự án được chấp thuận nâng công suất gần đây nhất là Dự án Nhà máy xi măng lò quay Lào Cai, nâng công suất từ 350.000 tấn/năm lên 450.000 tấn/năm. Xi măng Hoàng Mai đang xin xây dựng tiếp dây chuyền 2. Một số nhà máy xi măng tại các địa phương khác cũng đang lên kế hoạch đầu tư mở rộng.
 
Nhà máy xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) đang có kế hoạch đầu tư nâng công suất đối với dây chuyền thuộc nhà máy xi măng Thanh Liêm vì một dự án xi măng phải đạt đến công suất nhất định mới đem lại hiệu quả đầu tư tốt.
 
Chương trình đầu tư của xi măng Thanh Liêm cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của địa phương này khi cho rằng, đầu tư xi măng để tận dụng nguồn đá vôi tại chỗ.
 
Theo Phó chủ tịch tỉnh Hà Nam, tổng công suất của 6 nhà máy xi măng đang hoạt động tại Hà Nam hiện tại là 4,5 triệu tấn/năm. Dự kiến, trong năm tới chủ trương của tỉnh là tiếp tục mở rộng và phát triển thêm một số nhà máy xi măng để tận dụng nguồn nguyên liệu đá vôi, nguồn sét tại địa phương.
 
Đầu tư các nhà máy hoặc chạy đua nâng công suất không tính đến quy hoạch tổng thể  đang đặt các doanh nghiệp xi măng đang gặp khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu. Dấu hiệu “thừa nhà máy, thiếu nguyên liệu” trong bối cảnh vùng nguyên liệu cho sản xuất xi măng vẫn đang ở mức dồi dào đã bắt đầu xảy ra với giữa các nhà máy. Chưa kể là tình trạng thiếu than cho sản xuất xi măng thời gian gần đây cũng gây ra không ít hệ luỵ cho ngành xi măng và câu chuyện tiêu thụ sản phẩm.
 
Công ty xi măng Hoàng Thạch đang vướng phải việc tranh chấp mỏ đá với Xi măng Phúc Sơn, tương tự là trường hợp của xi măng Hải Phòng với xi măng Chinfon. Mặc dù đã được tỉnh và Bộ Tài nguyên Môi trường đồng ý cho xi măng Hoàng Thạch phát triển vùng đá vôi tại đây nhưng không thể triển khai được, trong khi Phúc Sơn đã làm được. Với tình hình này, khả năng Hoàng Thạch phải mua lại mỏ đá từ Phúc Sơn..
 
Bộ bảo "ngưng", địa phương "tiếp tục..."
 
Sẽ rất khó để tìm được đồng thuận giữa Bộ Xây dựng và các địa phương hay giữa chính quyền và doanh nghiệp trong câu chuyện đầu tư nhà máy xi măng. Đơn cử, khi Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các địa phương ngưng đăng ký các dự án đầu tư xi măng đến năm 2020 thì ở các địa phương các dự án vẫn diễn ra sôi động, nhất là ở miền Trung.
 
Đối với các doanh nghiệp nếu không xin cấp phép đầu tư dự án mới, thì lại tìm cách mở rộng nhà máy, đầu tư thêm dây chuyền để tăng công suất, như điển hình của xi măng Thanh Liêm (Hà Nam).
 
Vừa qua, nhiều nhà máy xi măng thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã phải dừng một số lò sản xuất do không thể mua được đủ than từ nhà cung cấp là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
 
TKV cho rằng hiện tượng thiếu than cho sản xuất xi măng có thể là thật nhưng chiếu theo hợp đồng thì lỗi không phải do TKV. TKV cũng khẳng định đã cân đối đủ than cho xi măng theo nhu cầu trong quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Ngoài ra lãnh đạo TKV cũng nhận định rằng trong năm 2010, nhu cầu than cho ngành xi măng tăng tới 34% so với 2009 nên cung không đủ cầu.
 
Việc tăng đột biến nhu cầu than của VICEM là do tăng trưởng của ngành này quá nóng, và sản xuất xi măng hiện đang dư thừa so với quy hoạch được duyệt và dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ.
 
Xi măng đang là ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước nhưng vẫn là ngành có tác động lớn đến môi trường. Hơn thế nữa chi phí vận tải trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành xi măng trên thị trường nên việc xây dựng các nhà máy xi măng và vấn đề đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng kỹ thuật.
 
Không phải cứ nơi nào có trữ lượng đá vôi lớn, có nhu cầu là xây dựng ngay nhà máy.
 
(Theo Đầu Tư)
  • 269
  • By Admin
  • 15/10/2010
  • 17