Thừa Thiên-Huế: Nhiều dự án BĐS trên đất vàng "chết yểu"
Đất vàng cũng "chết yểu"
Đơn cử, dự án siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen có vị trí ngay trung tâm TP Huế, tại điểm giao cắt giữa đường Lý Thường Kiệt- Hà Nội- Nguyễn Tri Phương. Theo quy hoạch được duyệt, tổng diện tích của dự án là 2.577m2, với công trình cao 15 tầng. Nhưng, sau khi triển khai nhiều năm, đến nay, dự án này chỉ mới xây dựng xong phần thô.
Tương tự, dự án xây dựng khách sạn Uhotel trên tổng diện tích đất là 7.000m2 cũng tọa lạc tại vị trí đẹp hai mặt tiền của dãy đường Lý Thường Kiệt - Đống Đa (TP Huế) hiện cũng đang “án binh bất động”. Được biết, vào tháng 8/2011, ngay khi trúng đấu giá lô đất trên, chủ đầu tư đã cho ép 126 cọc nhồi nhưng dừng thi công hẳn từ đó đến nay.
Vào tháng 3/2012, Tập Đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng đấu thầu trúng một lô đất mặt tiền số 4 đường Hà Nội bằng phương thức đấu giá chuyển nhượng sử dụng đất, tổng giá trị chuyển nhượng lô đất vào khoảng 130 tỷ đồng. Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy chủ đầu tư triển khai xây dựng thực địa. Khu đất vàng này hiện đang được người dân kinh doanh quán cà-phê, dịch vụ rửa xe...
Một trường hợp khác là Dự án trung tâm du lịch dịch vụ HuePlaza có vị trí "vàng" khi giáp 2 mặt tiền đường Hà Nội và Lê Lợi (TP Huế), và nằm về phía Nam chân cầu Phú Xuân. Dự án này là của Công ty CP Du lịch Huế, đã được cấp phép đầu tư vào tháng 4/2008. Tính đến năm 2011, dự án mới chỉ xây xong phần thô 5 tầng và dừng thi công từ đó đến nay.
Trước đó, chủ đầu tư từng cam kết sẽ hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012. Nhưng một số công nhân từng thi công công trình này cho biết, sau khi xong phần thô, nhà đầu tư không tiếp tục triển khai nên nhiều hạng mục có nguy cơ xuống cấp, gây lãng phí tiền của.
Dự án siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen và dự án trung tâm du lịch dịch vụ HuePlaza
triển khai từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn bất động
Chưa biết khi nào mới hết 'treo'?
Khi được hỏi, tại sao UBND tỉnh TT-Huế không xử lý “mạnh tay” với những dự án "treo" lâu năm ở các khu đất vàng của TP Huế, lãnh đạo Sở KH & ĐT của tỉnh này cho rằng, các dự án này đều triển khai bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Chiếu theo quy định của Luật Đất đai trước đây, nếu muốn thu hồi dự án, thu hồi đất thì tỉnh TT-Huế sẽ phải bồi thường tài sản cho các chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, tỉnh không đủ tài chính để bồi thường cho nhà đầu tư hoặc có bồi thường thì cũng không có nhu cầu sử dụng những tài sản này, vô hình chung lại tạo ra sự lãng phí khác. Với những dự án bị chậm tiến đội so với cam kết, UBND tỉnh tạo điều kiện cho phép các nhà đầu tư được tìm kiếm các đối tác có năng lực để tiếp tục hợp tác triển khai hoặc chuyển nhượng dự án.
Ngoài ra, UBND tỉnh TT-Huế cũng đã giới thiệu một số đối tác có năng lực có thể hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng DA. Trong đó, có thể kể đến Dự án Khách sạn Sông Đà - Thăng Long Uhotel của Công ty CP Sông Đà Thăng Long hiện đã chuyển nhượng cho Doanh nghiệp tư nhân Thanh Danh Ngọc Thiện - một đơn vị có năng lực tài chính tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn tiếp tục “trùm mền”. Đã nhiều tháng nay, không thấy có dấu hiệu thi công ở công trình này, hiện cỏ dại đã mọc um tùm trong khuôn viên dự án.
Trước thực trạng trên, ông Lê Đình Khánh - PGĐ Sở KH&ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (kể từ ngày 1/7/2014), trường hợp dự án chậm triển khai 24 tháng so với tiến độ tính từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa sẽ tính thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng bắt đầuh từ tháng thứ 25 sau khi kết thúc việc đầu tư xây dựng. Nếu hết thời hạn được gia hạn mà các chủ đầu tư vẫn chưa chịu triển khai dự án thì Nhà nước sẽ cưỡng chế thu hồi đất mà không bồi thường về đất cũng như tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Được biết, hồi tháng 8 năm ngoái, UBND tỉnh TT-Huế từng ra Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra tiến độ thực hiện và đã đề xuất hướng xử lý với một số dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh, gồm: Dự án Khách sạn Sông Đà - Thăng Long Uhotel; Dự án Công trình VP, thương mại, Khách sạn và căn hộ cao cấp số 4 Hà Nội; Dự án Siêu thị và cao ốc VP cho thuê của Công ty CP đầu tư và xây dựng Viwaseen. Theo đó, tỉnh đề xuất xử lý theo hướng cho phép gia hạn theo quy định của Luật Đất đai 2013. Trường hợp dự án nào vẫn tiếp tục vi phạm tiến độ thì sẽ tổ chức thu hồi và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất. Thế những, đến nay, sau khi UBND tỉnh ra quyết định và lập tổ công tác gần 1 năm, các dự án nêu trên vẫn tạm dừng thi công không báo trước thời hạn.
- 0
- By Admin
- 22/07/2015
- 17