• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thừa Thiên - Huế: Hàng trăm hộ dân sống "vất vưởng" suốt 17 năm

Đã có không ít hộ dân buộc phải rời bỏ địa phương đi tìm nơi ở mới để lập nghiệp trước cảnh dự án treo... “vô thời hạn” này.

Ít ai ngờ rằng, dù nằm ở khu vực phía Nam của trung tâm Tp.Huế nhưng suốt nhiều năm trở lại đây, gần 200 hộ dân thuộc phường An Cựu lại phải sống trong những căn nhà lợp mái tôn hết sức tạm bợ; dù có “mặt tiền” là tuyến đường lớn Hồ Đắc Di dẫn ra bến xe phía Nam của thành phố. Hỏi ra mới hay, toàn bộ các hộ dân sống ở khu vực này đều bị “dính” vào dự án quy hoạch làng Đại học Huế.

Đứng trong căn nhà được dựng bằng mấy cột tre, vách tường bờ lô, mái tôn đã xuống cấp nghiêm trọng, ông Hoàng Ân (47 tuổi) nói như kêu cứu: “Vợ chồng tui là dân vạn đò trên sông Hương chuyển lên đây định cư từ năm 1995, nhưng gần 20 năm qua, vì dự án quy hoạch làng Đại học Huế bị treo nên tui không thể xây dựng được nhà cửa kiên cố. Do thường xuyên bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt sau mỗi lần cơi nới, tu sửa nhà cửa nên cả gia đình đành chấp nhận sống trong căn nhà xập xệ này thôi!”. Bản thân làm nghề phụ hồ, vợ đi bán vé số dạo nên ước mong lớn nhất của ông Ân là cất được mái nhà cấp 4 vững chắc để làm chỗ trú lúc mưa bão cho 3 đứa con nhỏ. Thế nhưng, nói như ông Ân: “Khi nào dự án làng Đại học Huế còn treo thì vợ chồng tui không thể thực hiện được ước mơ ấy!”.

Nhiều hộ dân ở phường An Cựu phải sống trong những căn nhà tồi tàn giữa trung tâm TP Huế, do dự án xây dựng làng Đại học Huế bị treo nhiều năm.
Nhiều hộ dân ở phường An Cựu phải sống trong những căn nhà tồi tàn giữa trung tâm Tp.Huế, do dự án xây dựng làng Đại học Huế bị treo nhiều năm.

Cạnh nhà ông Ân là căn nhà tạm của vợ chồng anh Hoàng Phước (em trai ông Ân). 15 năm qua, 6 nhân khẩu trong gia đình anh Phước buộc phải “sống tạm, ở đợ” trên phần đất “chính chủ” của gia đình. Nhìn 4 đứa con nheo nhóc, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi, nằm vật vờ giữa nền nhà sau một buổi đi bán rong, chị Nguyễn Thị Ngọc Nhẫn (32 tuổi, vợ anh Phước), không cầm được nước mắt. Chị Nhẫn chia sẻ nỗi lòng: “Mang tiếng ở trung tâm Tp.Huế mà cực khổ gấp trăm lần ở thôn quê chú ơi! Nhà cửa không xây dựng được vì quy hoạch treo, các con cũng phải bỏ học vì không có tiền để đóng học phí. Trong khi đó, để có điện, nước sinh hoạt, gia đình tui phải câu nhờ từ các nhà không thuộc diện giải tỏa...”.

Tâm sự với chúng tôi, ông Phan Văn Dàng, Tổ trưởng tổ 21, khu vực 4, phường An Cựu, lo lắng vì không biết đến bao giờ, các hộ dân ở tổ này được di dời đến nơi ở mới. “Công tác thống kê tài sản và đo đạc đất đai để đền bù cho 150 hộ dân được chủ dự án xây dựng làng Đại học Huế triển khai hơn 15 năm trước. Thế nhưng đến nay, phía dự án chưa hề gặp một hộ dân nào để bàn phương án di dời, tái định cư. Tôi đã nhiều lần chủ động gọi đến lãnh đạo các sở, ban, ngành và Đại học Huế nhưng họ vẫn không có câu trả lời cụ thể”, ông Dàng thở dài nói.

Ngoài phường An Cựu, dự án xây dựng làng Đại học Huế còn ảnh hưởng đến 150 hộ dân ở khu vực 1 và 2 của phường An Tây, Tp.Huế. Đặc biệt, vì dự án treo quá lâu nên hiện ở xóm Gióng, phường An Tây có nhiều ngôi nhà bị mục ruỗng, đổ nát do không được phép tu sửa, xây dựng. Bà Nguyễn Thị Đỗ sống ở khu vực này cho biết, do khu vực xóm Gióng thấp trũng nên năm nào vào mùa mưa bão cũng có nhà bị sập. Không chịu nổi cảnh quy hoạch treo nên không ít hộ dân đã bỏ lại nhà cửa, vườn tược để đến nơi khác sinh sống.

Nhắc đến dự án làng Đại học Huế, bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây lắc đầu ngán ngẩm trước thực trạng bị treo suốt thời gian dài. Bà Mai nói: “Thực tình, phường rất hiểu nỗi khổ của người dân khi phải sống trong vùng quy hoạch treo suốt gần 2 thập niên qua, nhưng chức năng của phường cũng có hạn. Phường không thể giúp gì hơn cho bà con ngoài việc tạo điều kiện cho họ tu sửa lại nhà cửa để làm nơi tránh trú khi mùa mưa bão sắp đến”.

Để có thêm thông tin về dự án được xem “treo lâu nhất” ở Tp.Huế, chúng tôi đã cố gắng liên lạc rất nhiều lần với ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Ban Cơ sở vật chất - Đầu tư xây dựng Đại học Huế nhưng ông Tuấn từ chối, tránh mặt. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, dự án quy hoạch làng Đại học Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 3/1998, với tổng diện tích 135ha (tập trung ở phường An Cự và An Tây, Tp.Huế), với 7 trường thành viên và 3 khoa trực thuộc. Thế nhưng đến nay, dự án làng Đại học Huế vẫn chưa hoàn thành công tác xây dựng giai đoạn 1(!?).

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án chỉ mới hoàn thành việc quy hoạch xây dựng Trường Đại học Kinh tế; Đại học Ngoại ngữ; Khoa Giáo dục thể chất; Khoa Luật và một khu ký túc xá dành cho sinh viên. Cứ kéo dài tình trạng này thì không biết đến bao giờ họ mới thoát cảnh sống tạm và được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

  • 0
  • By Admin
  • 04/08/2014
  • 17