• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thủ tục xin đầu tư dự án BĐS tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn

Đó là những chia sẻ của nhiều chuyên gia cũng như hầu hết các nhà đầu tư trong buổi hội thảo “xu hướng thị trường bất động sản năm 2011, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư – Cơ hội và hợp tác” tại Hà Nội ngày 4/12/2010.

Các nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội đều nhận thấy, việc đi xin dự án tại Hà Nội trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, điều này trái ngược hẳn so với ở Tp.HCM và Đà Nẵng. Các chuyên gia trong buổi tọa đàm đã có rất nhiều chia sẻ về vấn đề này, trong đó tựu chung lại các chuyên gia khẳng định vấn đề mấu chốt là ở con người.

Ông Nguyễn Trung Vũ – TGĐ của CEN Group phân tích, về vấn đề xin dự án tại Hà Nội khó khăn là vì sao? Chúng ta hãy so sánh với Đà Nẵng và Tp.HCM các chủ đầu tư ở những địa phương này việc xin và lập dự án không khó khăn gì, ngay cả UBND Tp.Đà Nẵng còn tổ chức đấu giá bán dự án cho các nhà đầu tư,…tuy nhiên ở Hà Nội thì khác hoàn toàn. Ngoài những yếu tố của thị trường, đối với thị trường Hà nội khi chủ đầu tư đã nắm chắc trong tay dự án, coi như chắc thắng bởi việc bán hàng rất dễ dàng. Quỹ đất của Hà Nội hạn hẹp, lại đang lập quy hoạch chung Thủ đô cho nên vấn đề xin dự án dường như gặp trở ngại rất lớn. Bên cạnh đó, vấn đề con người cũng cần phải đề cập ở đây, tại sao quy định thủ tục cả nước là giống nhau, đi xin dự án mỗi địa phương lại khác nhau?!

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thì cho rằng, đã vào một dự án là coi như cỡi lên hổ, vào dự án to thì cỡi lên hổ to và dự án nhỏ thì cỡi lên hổ nhỏ. Ở bất cứ địa phương nào trên cả nước, về thủ tục hành chính xin dự án không có địa phương nào khác địa phương nào cả, đều giống nhau hết.

Ở Việt nam khi đi xin một dự án bất động sản thì không có một Văn bản pháp luật nào quy định cụ thể cả, mà chủ đầu tư phải thực hiện qua các khâu, mỗi khâu lại có những Nghị định, Thông tư,…văn bản khác nhau quy định. Do lĩnh vực đầu tư bất động sản liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như đất đai, kiến trúc, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy,…do đó có rất nhiều văn bản điều chỉnh.

Quan điểm của ông Nguyễn Hữu Cường – TGĐ của Cuong Group cũng đồng tình với ông Nguyễn Trung Vũ, cho rằng, thủ tục xin đầu tư một dự án bất động sản là không khác nhau ở các địa phương, tuy nhiên, ở Đà Nẵng thì dễ còn Hà Nội thì rất khó, chung quy cũng do con người.

Theo ông Cường, từ khi Nghị định 71 có hiệu lực thì việc phê duyệt  đầu tư một dự án bất động sản đã được quy định cụ thể hơn. Đối với dự án nhà ở đầu tư bằng ngân sách địa phương thì chủ đầu tư trình UBND cấp tỉnh, đối với dự án có mức đầu tư dưới 30 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh có thể ủy quyền cho chủ tịch cấp huyện, xã, phường xem xét phê duyệt

Đối với những dự án phát triển nhà ở đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, được quy định chấp thuận đầu tư theo quy mô của dự án. Đối với những dự án có quy mô dưới 500 căn thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt, đối với dự án có từ 2.500 căn trở lên Chủ đầu tư phải lập Tờ trình đề nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương trước khi thẩm định và phê duyệt.

Hà Nội hiện nay quỹ đất dự án gần như không còn, ngay cả khu mở rộng phía Tây thì cũng đã có chủ, chủ yếu được phân chia theo 3 nhóm là các Tổng Công ty như Dầu Khí, Vinaconex, HUD, Sông Đà, Handico, UIDC,…nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép trước đây khi thị trường khát vốn và nhóm các doanh nghiệp tư nhân lớn như Bitexco, Vincom, Nam Cường, Geleximco, Cienco 5, TSQ,.. và một vài nhà đầu tư khác thời gian tới.

Lợi nhuận từ thị trường bất động sản Hà Nội là đặc biệt hấp dẫn, chủ đầu tư khi có dự án coi như đã nắm chắc phần thắng. Điều này rất khác biệt so với thị trường Tp.HCM, đô thị đã mở ra rất rộng lên đến hàng chục km2, quỹ đất huy động nhiều hơn đã đẩy giá nhà ở mềm hơn so với Hà Nội, và cũng tạo cơ hội rộng mở hơn cho các nhà đầu tư.

Những phân tích trên cho thấy, xin lập dự án tại Hà Nội mà các chủ đầu tư nhỏ lẻ luôn “kêu” là khó khăn cũng là điều dễ hiểu.

(Theo CafeF)

  • 0
  • By Admin
  • 09/12/2010
  • 17