Thủ tục xin cấp sổ hồng cho nhà xây không phép, mua giấy tay
Đến năm 2001, bà Nhung tự tách ra hai lô đất và bán cho ông Hưng bằng giấy tay với diện tích 45m2. Năm 2001 ông Hưng tự xây dựng không xin phép. Đến năm 2010, ông Hưng bán lại căn nhà giấy tay đã xây dựng không phép đó cho tôi, với hiện trạng nhà đất 4,5x10m, vách gạch - mái tôn, mặt tiền đường 2m.
Nay tôi muốn được làm sổ hồng thì có cách nào giải quyết không? Nếu làm được sổ hồng thì cần những thủ tục nào, chuyển mục đích ra sao? Từng bước cụ thể thế nào? (tadinhde@... )
- Trả lời:
Căn cứ điều 11 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ, những trường hợp chuyển nhượng nhà - đất trước ngày 1-7-2004, khi chuyển nhượng các bên lập giấy tờ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có chữ ký của bên bán (không cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trên giấy chuyển nhượng), thì người mua có quyền lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cho tên của mình, mà không cần phải lập lại thủ tục chuyển nhượng từ người bán cho người mua.
Theo thư trình bày, ông Hưng nhận sang nhượng lô đất từ bà Nhung vào năm 2001. Năm 2010, ông Hưng chuyển nhượng nhà - đất nêu trên cho ông/bà.
Căn cứ điều 11 Nghị định 84/2007/NĐ-CP nêu trên, do ông/bà nhận sang nhượng nhà - đất vào năm 2010, do đó ông/bà không thể đứng đơn xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền. Vì vậy, căn nhà mà ông/bà đã mua phải lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cho ông Hưng là người đứng tên trên giấy chứng nhận, cùng với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Sau khi ông Hưng được cấp giấy chứng nhận, ông/bà và ông Hưng phải lập lại thủ tục mua bán nhà - đất tại phòng công chứng. Để có thể lập được hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, ông/bà đến Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Dĩ An để mua hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận và đăng ký đo vẽ, xác lập bản vẽ hiện trạng nhà đất. Sau khi đã có bản vẽ, ông/bà thiết lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận gồm có những tài liệu chủ yếu sau:
1. Đơn xin cấp giấy chứng nhận;
2. Giấy tờ mua bán từ bà Nhung cho ông Hưng;
3. Những giấy tờ liên quan đến việc sử dụng đất của bà Nhung (nếu có);
4. Hôn thú của ông Hưng (nếu ông Hưng có vợ), nếu ông Hưng không có vợ thì nộp giấy xác nhận độc thân của ông Hưng);
5. Bản vẽ sơ đồ nhà đất;
6. Chứng minh nhân dân và hộ khẩu của ông Hưng và vợ (nếu có);
Tùy theo đặc điểm của từng địa phương và nguồn gốc của nhà - đất, cơ quan thụ lý sẽ yêu cầu ông/bà cung cấp các tài liệu liên quan khác.
Nơi nộp hồ sơ, tùy theo từng địa phương, nếu địa phương nào áp dụng quy trình giải quyết hồ sơ liên thông, thì hồ sơ sẽ nộp tại Phòng Tài nguyên - môi trường huyện. Nếu không liên thông, thì hồ sơ sẽ nộp tại UBND xã nơi có đất.
Để hạn chế việc tranh chấp xảy ra giữa ông Hưng và ông/bà về việc phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho tên của ông Hưng, ông/bà nên lập văn bản thỏa thuận với ông Hưng về việc ông Hưng cam kết sẽ đến phòng công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng nhà - đất cho ông/bà mà không đòi hỏi bất cứ khoản tiền nào.
Trân trọng.
Luật sư Phạm Đình Sơn
Công ty luật TNHH Phạm Đình & cộng sự
- 244
- By Admin
- 04/12/2013
- 17