Thủ tục nhà - đất nhiêu khê, hành dân đến khổ!
Quy định 30 ngày, 7 tháng chưa xong
Ông H. bán cho bà Tr. một căn nhà trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận, Tp.HCM), sau khi hai bên công chứng hợp đồng mua bán, ông H. đem nộp hồ sơ trước bạ sang tên cho bà Tr. tại UBND quận Phú Nhuận thì cán bộ thụ lý cho biết, do trong giấy chứng nhận hết chỗ cập nhật biến động qua tên bà Tr. nên yêu cầu ông H. phải đổi giấy chứng nhận mới để có chỗ cập nhật sang tên cho bà Tr. Cũng chính vì lý do này mà ông H. và bà Tr. đã hủy hợp đồng mua bán để làm giấy chứng nhận mới trước khi hai bên ký lại hợp đồng công chứng mua bán.
Tháng 11/2013, ông H. bắt đầu nộp giấy tờ đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND quận Phú Nhuận để xin cấp đổi giấy chứng nhận mới, nhưng từ đó đến nay ông H. vẫn chưa nhận được kết quả, trong khi quy định việc cấp đổi giấy chứng nhận sẽ hoàn thành trong vòng 30 ngày làm việc. Ông H. cho biết, sau khi nhận hồ sơ họ yêu cầu bổ sung một số giấy tờ cần thiết như bản vẽ hiện trạng, xác nhận không tranh chấp…
Nhưng sau khi nhận đủ hồ sơ họ liên tục hẹn mà không cho biết lý do, lúc thì hẹn miệng, lúc viết vào phía sau biên nhận nhưng đến hẹn lại hẹn tiếp mà không rõ lý do. Sau đó ông H. lên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (nơi thực hiện việc cấp đổi) để hỏi kết quả thì được ông Nguyễn Công Chiến - Giám đốc Văn phòng cho biết, hồ sơ đã xong và đang trình lên bà Bùi Thị Mỹ - Trưởng phòng TN-MT Phú Nhuận. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với bà Mỹ thì bà nói: không thấy hồ sơ nào như trên (?).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Chiến cho biết nguyên nhân chậm trễ do hồ sơ nhiều, cán bộ còn non yếu nghiệp vụ. Trường hợp hồ sơ nhà ông H. là do năm 2008 có sửa chữa không phép nên phải xác minh. Ông H. bức xúc, từ việc chậm trễ trên mà đến nay ông đã mất hàng trăm triệu đồng do phải trả lãi suất cho bà Tr. và đến nay vẫn chưa biết lúc nào hồ sơ mới hoàn tất.
|
Trường hợp ông H. không phải là cá biệt, nhiều trường hợp khác người dân cũng bức xúc do hồ sơ bị “ngâm” quá lâu mà lý do không rõ ràng. Ông P.N.P. (ngụ đường Trường Sa, phường 13, quận Phú Nhuận), kể: Ngày 2/11/2012, ông bắt đầu nộp hồ sơ tại UBND quận Phú Nhuận, cán bộ thụ lý hẹn 28 ngày sau quay lại nhận kết quả. Đúng hẹn, ông P. đến, cán bộ thụ lý yêu cầu đến Phòng TN-MT để bổ túc bản vẽ hoàn công. Do khi mua nhà, chủ cũ không giao bản vẽ hoàn công nên cán bộ Phòng TN-MT yêu cầu liên hệ Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) để có hướng dẫn cụ thể. Chạy qua Phòng QLĐT, cán bộ lại nói chờ để lục tìm bản vẽ hoàn công...
Kiếm hoài không ra, cán bộ yêu cầu ông P. phải đi vẽ bản vẽ hiện trạng. Sau khi nhờ một công ty đo vẽ hiện trạng nhà, tháng 1-2013, ông P. nộp cho Phòng QLĐT. Bản vẽ này bị cán bộ cho là sai, yêu cầu chỉnh sửa lại. Thế rồi, cứ mỗi lần ông P. nộp bản vẽ mới lại bị cán bộ… chê. Chỉnh sửa không dưới 10 lần, đến tháng 11/2013, bản vẽ mới được cán bộ Phòng QLĐT ký xác nhận. Không chỉ bị “hành” với bản vẽ hiện trạng, ông P. cũng mất 4 tháng sửa tới sửa lui để hoàn tất bản vẽ sơ đồ nhà - đất theo đề nghị của Phòng TN-MT.
Đến tháng 2/2014, hồ sơ được xem là ổn vì không thấy cán bộ thụ lý yêu cầu bổ túc gì nữa nhưng phải 3 tháng sau, ngày 22/5, ông P. mới có được giấy chứng nhận. Nhiều người dân bức xúc phản ánh, cán bộ thụ lý hướng dẫn kiểu “nhỏ giọt” không rõ ràng, nhiều việc cán bộ làm sai nhưng lại yêu cầu người dân tự làm lại hoặc phải có đơn xin điều chỉnh (như bản vẽ hiện trạng, ghi sai địa chỉ…).
Đầu tư dự án ngày càng lâu
Với kinh nghiệm từ việc làm chủ đầu tư và đã hoàn thành 5 cao ốc căn hộ tại Tp.HCM gần 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết càng về sau thủ tục càng nhiêu khê, thời gian càng kéo dài, làm doanh nghiệp đuối sức, tăng giá thành và giá bán. Ông dẫn chứng, trước khi có Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6-9-2006: Dự án phát triển nhà ở được khởi công xây dựng khi có quyết định giao đất của UBND TP và thỏa thuận quy hoạch 1/500 của Sở Quy hoạch Kiến trúc, các thủ tục này mất khoảng 1 năm.
Khi có Nghị định 90/2006/NĐ-CP, dự án phát triển nhà ở sau khi có quyết định giao đất, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc phải tiếp tục trình Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và phê duyệt dự án đầu tư, sau đó mới được phép khởi công xây dựng, doanh nghiệp phải mất thêm 1 năm nữa. Sau đó Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP yêu cầu dự án phát triển nhà ở phải được cơ quan thẩm quyền chấp thuận đầu tư, tiếp theo lấy ý kiến thiết kế cơ sở tại Sở Xây dựng, chủ đầu tư tự phê duyệt dự án đầu tư. Chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công dự án. Thời gian để thực hiện các thủ tục này mất thêm khoảng 1 năm. Tức sau 3 năm mới có thể khởi công dự án.
Ngoài ra, Nghị định 69 quy định về tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường doanh nghiệp phải trải qua 4 khâu: thuê công ty thẩm định giá sát giá thị trường trình Sở Tài chính; Sở Tài chính thẩm định lại; Hội đồng xét duyệt trình UBND TP; UBND TP duyệt (mất thời gian từ 3 - 6 tháng, đó là chưa kể Sở Tài chính không đồng ý chứng thư thẩm định thì doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu). Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 quy định về cấp phép cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cải tiến thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà đất, đầu tư xây dựng bất động sản theo hướng gọn nhẹ, minh bạch là xu hướng các nhà làm luật hướng tới nhằm giải tỏa bức xúc cho người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế sự chuyển biến còn hạn chế và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường nhà đất đội giá thành, tạo kẽ hở cho tham nhũng.
- 125
- By Admin
- 09/06/2014
- 17