• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thủ tục hành chính về nhà đất: Trăm kiểu hành dân

LTS: Cả nước đang thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính vì nhiều thủ tục chồng chéo, lạc hậu. Hàng trăm thủ tục được lược bỏ, hàng chục giấy phép con không được phép tồn tại… Nhưng thực tế, người dân vẫn đang bị hành đủ kiểu, đủ dạng: Từ chuyện hành lên hành xuống xin cái số nhà đến chuyện cán bộ lấy phương châm “im lặng là vàng”, không thèm trả lời cho công dân hoặc làm ngơ cả chỉ đạo của cấp trên...

Dù có tém dẹp, gọt tỉa để rừng thủ tục quang đãng nhưng người thừa hành có tâm không sáng hoặc máy móc, vô tình thì người dân cũng lãnh đủ.

Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM thu thập nhiều kiểu hành “không giống ai” của các cán bộ thừa hành…


Nhiều người dân làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại quận Bình Tân cho biết họ không hiểu vì sao bị phường và quận đòi hỏi những giấy tờ, thủ tục không thấy trong quy định.

Lại đòi “hạ tầng tốt”

Bà Dương Thị Lệ có mảnh đất 72 m2 tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Mục đích sử dụng đất trên giấy là đất trồng cây hằng năm nhưng phù hợp quy hoạch đất dân cư. Bà làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. UBND phường Bình Trị Đông có văn bản cho biết chưa giải quyết “vì hiện trạng phía trước khu đất chưa có hạ tầng hoàn chỉnh: kết cấu hẻm đất, hệ thống cấp điện không có, chưa có cống thoát nước và hẻm không thuộc kế hoạch chỉnh trang trong năm 2012-2013”.

Thủ tục hành chính về nhà đất: Trăm kiểu hành dân | ảnh 1
Khu đất nhà bà Lệ bị từ chối cho chuyển mục đích, trong khi các nhà đối diện mới xây rất hoành tráng. Ảnh: CẨM TÚ

“Tôi không hiểu, hiện hẻm đã tráng xi măng, có điện, nước… sao bảo là chưa có? Trong hồ sơ đã kèm theo biên bản có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố về việc đã đóng đủ tiền để làm cơ sở hạ tầng nhưng không được xem xét. Trong khi nhiều người khác trong hẻm vẫn được cấp còn nhà tôi thì không?” - bà Lệ nói. Qua quan sát thực tế, khu đất nhà bà Lệ nằm trên con hẻm tráng xi măng, có trụ điện, ngay phía sau căn nhà mặt tiền đường hương lộ 2, xung quanh khá nhiều căn nhà khang trang vừa mới xây.

Cũng tại phường Bình Trị Đông, bà Hồ Thị Mai có mảnh đất 43 m2 đã được cấp giấy chứng nhận với mục đích đất trồng cây hằng năm. Vị trí đất phù hợp quy hoạch đất dân cư nên bà xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Nhà bà Mai đỡ hơn vì được ghi nhận là “hẻm đất, có hệ thống điện”. Tuy nhiên, do “chưa có cống thoát nước, hẻm không thuộc kế hoạch chỉnh trang trong năm 2012-2013” (theo văn bản của phường) nên phường cũng không giải quyết hồ sơ.

Trong những văn bản trên, phường Bình Trị Đông dựa vào thông báo của quận khi triển khai thực hiện Quyết định (QĐ) 19/2009 của TP về hạn mức tối thiểu khi tách thửa. Theo QĐ 19, muốn được tách thửa đất ngoài việc đảm bảo hạn mức tối thiểu thì còn phải “đảm bảo hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, kết nối và đồng bộ với hạ tầng hiện hữu”. Tuy nhiên, đó là những quy định dành cho trường hợp tách thửa đất (chưa kể những yêu cầu này vốn dĩ cũng bị nhiều địa phương nhận xét là gây vướng mắc: Thế nào là hạ tầng hoàn chỉnh, kết nối, đồng bộ…). Còn những trường hợp nêu trên là đã được cho phép tách thửa, khu đất nằm trong khu đường sá, nhà cửa đã khá tươm tất.

Phường vận dụng quy định sai hay có vấn đề gì ở đây?

Đòi điều không có trong quy định

Mấy năm nay ông Dương Văn Thao ở 225/56 Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông, mếu dở khóc dở với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của quận (VP ĐKQSDĐ).

Số là khi nộp hồ sơ xin công nhận quyền sử dụng 1.000 m2 đất tại địa chỉ trên, ông đã phải chỉnh sửa nhiều lần bản vẽ nhà đất. Kéo dài cả hai năm nay, rốt cuộc cũng được cơ quan chức năng đóng cho cái mộc: “Đã kiểm tra nội nghiệp”. Thế nhưng tháng 2-2012, VP ĐKQSDĐ lại gửi văn bản thông báo: Diện tích nhà đất của ông là “vượt hạn mức diện tích giao đất ở” và đề nghị ông liên hệ công ty đo vẽ để lập bản vẽ, thể hiện phần diện tích nhà ở, có kiểm tra nội nghiệp của văn phòng!

Đến nước này thì ông Thao la trời. Theo ông, việc vượt hạn mức giao đất ở là căn cứ theo QĐ 225/2005 do TP ban hành. QĐ này cho phép đất ở được công nhận diện tích không quá năm lần hạn mức đất ở nếu nằm trong cùng một thửa đất có nhà ở được sử dụng trước ngày 18-12-1980 (nếu sau ngày này thì chỉ được công nhận bằng một lần hạn mức đất ở). Theo hạn mức đất ở tại Bình Tân thì ông xin công nhận là 1.000 m2 là vừa đúng hạn mức. Ông có đủ chứng cứ xác thực nhà đã có trên mảnh đất xin công nhận từ trước năm 1980; trong một văn bản, Phòng TN&MT quận Bình Tân cũng đã nhìn nhận ông sử dụng đất từ trước năm 1975.

Ông Thao cho hay: Ông không biết phải vẽ lại bản vẽ như thế nào mới đúng. Ông còn bị yêu cầu phải lấy ý kiến các hộ lân cận về việc sử dụng đất mà yêu cầu này rất khó khăn, cũng không thấy văn bản nào quy định.

Xã gây phiền hà, chủ tịch huyện bị phê bình

Ngày 25/6, tỉnh Đồng Tháp có công văn phê bình chủ tịch UBND huyện Thanh Bình và huyện Tháp Mười vì những sai phạm trong công tác giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương

Theo đó, chủ tịch huyện Thanh Bình và Tháp Mười thiếu kiểm tra và đã để xảy ra những sai phạm và thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp và tài nguyên môi trường tại UBND xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình và UBND thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. Chủ tịch hai huyện phải kiểm điểm các đơn vị vì giải quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức không đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định, gây tốn kém, phiền hà cho các tổ chức cá nhân. Hai huyện phải xử lý nghiêm, kiểm điểm cán bộ, công chức từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ không đúng theo quy định…

Vào ngày 9/2, tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tam Nông kiểm điểm, phê bình chủ tịch UBND xã Phú Thành B vì tự đặt ra quy định buộc dân đóng các loại quỹ khi công dân làm các thủ tục hành chính
.

(Theo PLTPHCM)

  • 135
  • By Admin
  • 10/07/2012
  • 17