• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thủ tục giải quyết tranh chấp di sản

Nay chúng tôi muốn làm giấy đỏ nhưng người anh tôi lại phát đơn tranh chấp với mẹ. Theo UBND huyện, việc tranh chấp thừa kế nhà đất do tòa án giải quyết. Tuy nhiên, tòa án huyện lại từ chối giải quyết với lý do đất chưa có giấy đỏ. Quay lại UBND huyện, chúng tôi được giải thích phải có sự đồng thuận của những người thừa kế thì mẹ tôi mới được cấp giấy chứng nhận. Giờ chúng tôi phải làm sao?


Nguyên Nguyễn (nguyentttuyphong@...)


Trả lời:

Theo Thông tư số 17 ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất), trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà khi cấp giấy chứng nhận chưa phân chia thừa kế cho từng người thì cấp một giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế. Việc cử người đại diện ghi tên vào giấy chứng nhận phải bằng văn bản thỏa thuận của những người được thừa kế đã xác định (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật) được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Khi cha chết không có di chúc thì mẹ và các anh chị em của ông là những người thừa kế theo pháp luật phần nhà, đất thuộc sở hữu, sử dụng của người cha. Do đó, nếu không có văn bản thỏa thuận của các anh chị em của ông thì mẹ ông không được cấp giấy chứng nhận với tư cách là người đại diện. Các thành viên trong gia đình ông cần cố gắng thỏa thuận về việc phân chia di sản. Trường hợp không thể thương lượng được, các thành viên có thể nộp đơn đề nghị TAND huyện giải quyết. Theo điểm 1 mục II Nghị quyết số 02 ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ quy định nhưng có di sản là nhà ở, tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế thì giải quyết như sau: Trong trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.

Trong trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp nhưng có văn bản của UBND cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, thì tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để UBND cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự.

LS TRẦN CÔNG LY TAO
(Theo PL TPHCM)

  • 293
  • By Admin
  • 09/02/2011
  • 17