Thủ tục chuyển quyền sử dụng đất trong gia đình
Vậy, bà chúng tôi có thể chuyển tên được không và thủ tục như thế nào?Bà Phùng Thị Tuyết Trinh (TP.Hà Nội)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai năm 2003 quy định: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Trường hợp bà Phùng Thị Tuyết Trinh muốn chuyển quyền sử dụng một lô đất ở cho 2 người con, một người con 21 tuổi và một người con 8 tuổi.
Nếu bà Trinh có đủ điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 106 Luật Đất đai, thì bà có quyền tặng cho, hoặc chuyển nhượng, hoặc để thừa kế quyền sử dụng đất cho các con của bà, bằng hợp đồng tặng cho, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc bằng di chúc.
Trường hợp người con đã thành niên:
Đối với người con 21 tuổi, là người đã thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đủ điều kiện về chủ thể khi giao kết hợp đồng tặng cho, hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tư cách là người được tặng cho, hoặc với tư cách người được chuyển nhượng. Bà và người con đã thành niên của bà cần đến tổ chức công chứng (phòng công chứng nhà nước hoặc văn phòng công chứng) nơi có đất để xác lập hợp đồng và yêu cầu công chứng hợp đồng đó.
Để được tách thửa, xác lập và công chứng hợp đồng, đăng ký biến động, sang tên quyền sử dụng đất thì diện tích được tách thửa để chuyển quyền và diện tích đất còn lại sau khi tách thửa phải đủ kích thước và diện tích tối thiểu theo quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa do UBND cấp tỉnh nơi có đất ban hành.
Sau khi hợp đồng đã được công chứng, người con được chuyển quyền sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện nơi có đất: bản sao giấy CMND, bản sao sổ hộ khẩu của bà Trinh và của người con được chuyển quyền; 2 bản chính hợp đồng; bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đăng ký biến động, sang tên chủ sử dụng đất.
Người con đã thành niên của bà Trinh sẽ được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên người con đó, với diện tích được bà Trinh tặng cho hoặc chuyển nhượng theo hợp đồng sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc sang tên chủ sử dụng đất,
Trường hợp người con chưa thành niên:
Đối với người con 8 tuổi, là người chưa thành niên, theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ Luật Dân sự năm 2005 (BLDS) thì người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo khoản 1, Điều 141 BLDS thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên nên có thể thực hiện các giao dịch dân sự thay con. Nhưng tại khoản 5, Điều 144 BLDS có quy định: Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vì lẽ đó, bà Trinh không thể vừa là người tặng cho quyền sử dụng đất, đồng thời là đại diện cho người con 8 tuổi được tặng cho quyền sử dụng đất, để xác lập và thực hiện hợp đồng. Trường hợp này, theo nguyên tắc công chứng viên sẽ từ chối việc công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của bà Trinh cho người con 8 tuổi.
Bà Trinh có thể lập di chúc để thừa kế quyền sử dụng đất cho người con chưa thành niên này hoặc đợi đến khi người con đó đủ 18 tuổi, thì bà và người con đó xác lập hợp đồng tặng cho hoặc hợp đồng chuyển nhượng để chuyển quyền sử dụng đất, sang tên chủ sử dụng đất cho người con này.
Ls Trần Văn Toàn- VPLS Khánh Hưng
(Theo Chinhphu.vn)
- 189
- By Admin
- 04/10/2012
- 17