Thủ tục chuyển nhượng đất khi chủ cũ vẫn đứng tên sổ đỏ?
Hợp đồng mua bán ghi 64m² đất và 1 căn nhà cấp 4. Người bán thỏa thuận sẽ xin cấp số nhà và hộ khẩu cho tôi tại căn nhà đó. Tôi muốn hỏi, giao dịch mua bán này có hợp pháp không? Sau này tôi có thể tách thửa đất làm sổ riêng hay xin cấp chủ quyền nhà được không? - Đinh Anh Tuấn (dttuan@.....)Trả lời:
Đăng ký chuyển nhượng đất ngay sau khi ký kết hợp đồng
Trường hợp ông Đinh Tuấn Anh, nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (nhà, đất) được giao kết đúng chủ thể, nội dung hợp đồng không bị pháp luật cấm, được UBND cấp xã, cấp huyện chứng thực (hoặc có chứng nhận của công chứng) thì hợp đồng có hiệu lực.
Khi hợp đồng được lập có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền thì tính hợp pháp của hợp đồng sẽ được Công chứng viên hoặc Người có thẩm quyền chứng thực kiểm soát và bảo đảm.
Công chứng viên hoặc Người có thẩm quyền chứng thực hợp đồng phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng mà họ đã công chứng hoặc chứng thực.
Do ông Tuấn Anh nhận chuyển nhượng một phần thửa đất và giấy tờ về đất vẫn mang tên chủ cũ, nên ông cần phải tiến hành ngay việc đăng ký chuyển nhượng, để được đo tách thửa, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất mang tên ông. Không nên để tình trạng thực hiện “nửa chừng” như ông phản ánh.
Thủ tục đăng ký chuyển nhượng
Việc đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được quy định tại Điều 148 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ và quy định tại Điều 23 Thông tư 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, bên nhận chuyển nhượng nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (hoặc tại UBND xã, thị trấn nếu địa phương quy định) 1 bộ hồ sơ gồm:
- Hợp đồng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã, cấp huyện theo quy định của pháp luật.
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai và một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 8, 9 và 10 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP);
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau:
- Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã cấp giấy chứng nhận nhưng chưa có sơ đồ thửa đất hoặc trường hợp chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất;
- Thực hiện thủ tục trình cấp Giấy chứng nhận và trao cho người được cấp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi UBND xã, thị trấn để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại xã, thị trấn; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính.
Về việc ông Tuấn Anh muốn chuyển hộ khẩu thường trú về nhà, đất đã mua phải thực hiện theo quy định của Luật Cư trú, cần chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.
Mặc dù chủ cũ thỏa thuận chịu trách nhiệm chuyển hộ khẩu cho ông, xin cấp số nhà cho ông, nhưng khi Giấy chứng nhận vẫn đứng tên chủ cũ thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Luật sư Trần Văn Toàn - VPLS Khánh Hưng
(Theo Chinhphu.vn)
- 157
- By Admin
- 17/05/2011
- 17