• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá phiền hà

Tại phiên làm việc ngày 9.11, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ QH, trong đó đề cập đến những hạn chế, bất cập trong việc cấp GCN cho nhân dân. Người dân chờ đợi biết đến bao giờ mới được Nhà nước công nhận được là chủ sở hữu ngôi nhà, mảnh đất mà mình đã bỏ tiền ra mua theo đúng quy định của Nhà nước đã ban hành.

Khó vì quá nhiều giấy tờ liên quan

Theo Luật Đất đai năm 2003, việc cấp GCN thuộc thẩm quyền của các văn phòng đăng ký (VPĐK) quyền sử dụng đất thuộc hệ thống cơ quan tài nguyên - môi trường (TNMT), đây là quy định mới, nhằm bớt phiền hà cho người dân phải đi qua nhiều “cửa” như trước đây, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan quản lý. Nhưng thực tế, từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành thì việc người dân kêu trời về những phiền hà do cán bộ thực quyền gây ra khi đăng ký cấp GCN.

Do mỗi nơi thực hiện một kiểu, cho nên người dân phải chạy theo đủ loại giấy tờ được viện dẫn yêu cầu phải nộp. Ông Nguyễn Thành An (Từ Liêm, Hà Nội) gửi đến toà soạn đơn “tố” dài đến 3 trang giấy về những phiền hà khi làm thủ tục cấp GCN: Theo mẫu đăng ký GCN thì chỉ việc phải nộp bản photocopy, còn bản chính khi nào nhận GCN sẽ nộp để đối chiếu và lưu hồ sơ, lúc thì chủ đầu tư (căn hộ chung cư) chỉ yêu cầu một bản công chứng, còn lại là photocopy, sau lại đòi hỏi phải nộp lúc thì hai, lúc thì ba bộ hồ sơ mà bộ nào cũng phải có công chứng.

Người dân mua nhà ở các dự án mới xây dựng các khu chung cư đều gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục cấp GCN (ảnh minh hoạ). Ảnh: Kỳ Anh

Ông An cho hay, mấy lần phải bổ sung theo yêu cầu của chủ đầu tư nên gặp nhiều khó khăn. Cùng ở một chung cư, nhưng có người làm GCN rất dễ dàng (làm dịch vụ hoặc quen biết), còn cứ “thẳng đường mà tiến” đến VPĐK nộp hồ sơ thì hãy đợi đấy, vì thiếu những loại giấy tờ do VPĐK nên yêu cầu mà chỉ có chủ đầu tư mới có được. Khi người dân yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thì lại nhận được câu trả lời không thể giao cho cá nhân được.

Người dân ở giữa những yêu cầu của chủ đầu tư - VPĐK nên không biết đâu mà lần. Hiện nay, hầu hết người dân mua nhà ở các dự án mới xây dựng các khu chung cư đều gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục cấp GCN, vì đa phần người dân đều phải mua lại qua nhiều người vì người có nhu cầu ở không được mua trực tiếp từ chủ đầu tư, gặp rất nhiều khó khăn về giấy tờ liên quan. Có người ở đến 4-5 năm mà vẫn không thể làm được thủ tục cấp GCN, trong khi người dân có nhu cầu được cấp GCN, Nhà nước thu được thuế, nhưng ách tắc vẫn ở những cán bộ thực thi trực tiếp, trong khi người dân không biết phản ánh với ai.

Gỡ khó kiểu gì?

Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH cũng chỉ rõ: Việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) ở nhiều địa phương chưa tuân thủ đúng quy định như: Yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ không cần thiết, trái quy định của pháp luật như bản sao hộ khẩu, giấy CMND, sơ đồ thửa đất; thủ tục đăng ký biến động vẫn phải nộp đơn xin cấp GCN; văn bản xác minh việc chấp hành Luật Đất đai... Việc tiếp nhận hồ sơ thiếu kiểm tra, hướng dẫn đầy đủ nên có tình trạng hồ sơ không đảm bảo yêu cầu nhưng vẫn tiếp nhận, dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, kéo dài thời gian do phải nộp bổ sung hoặc làm lại hồ sơ...

Những phiền hà đó gây bất bình trong người dân, nhưng rất tiếc cơ quan quản lý cấp trên lại không nắm được. Ông Nguyễn Thành An (HN) băn khoăn: Người dân cũng không biết phải có bao nhiêu loại giấy tờ đúng quy định.

Việc quy định cấp một GCN nhằm tạo thuận lợi cho người dân, song trên thực tế cũng đã phát sinh những vướng mắc đã được báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH viện dẫn: Việc cấp GCN quyền sử dụng đất không thể thực hiện đồng thời với GCN về quyền sở hữu nhà ở (do nhà được xây dựng sau); hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà còn nhiều phức tạp, quy trình giải quyết kéo dài, không rõ.

Ví dụ, VPĐK quyền sử dụng đất không xác định được tình trạng nhà ở, quy mô, loại nhà ở và những vấn đề có tính chất kỹ thuật liên quan đến nhà ở để thực hiện việc đăng ký, nên lại phải nhờ đến cơ quan quản lý nhà ở (gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan này), theo báo cáo của Bộ TNMT thì hiện có tới 130 đơn vị cấp huyện chưa có VPĐK, riêng TPHCM thì mới chỉ có 11/24 quận, huyện có VPĐK; báo cáo của UBTVQH cũng đề cập đến một trong những nguyên nhân gây phiền hà, gây khó cho người dân khi làm thủ tục cấp GCN, đó là năng lực chuyên môn của cán bộ thực thi.

Trong khi việc tổ chức và quy định chức năng, nhiệm vụ của VPĐK quyền sử dụng đất có sự chồng chéo với chức năng quản lý nhà nước về đất đai của phòng TNMT ở cấp huyện, do một số địa phương không thành lập VPĐK mà lại giao cho phòng TNMT thực hiện các công việc tham mưu cho chính quyền cấp GCN.

(Theo Lao Động)

  • 158
  • By Admin
  • 10/11/2010
  • 17