• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Gói 50.000 tỷ đồng xúc tác thị trường BĐS

Trong bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn, việc công bố triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện thông qua chuỗi liên kết 4 nhà được kỳ vọng là mô hình tăng trưởng an toàn.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam xung quanh vấn đề này.

- Trong khi tốc độ giải ngân của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng vẫn còn rất chậm thì lại xuất hiện thêm gói tín dụng mới 50.000 tỷ đồng. Xin Thứ trưởng phân tích điểm khác nhau của hai gói tín dụng?

- Gói 30.000 tỷ đồng là gói tín dụng có ưu đãi của Nhà nước theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng dành cho nhóm đối tượng được ưu tiên theo quy định nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở. Chính phủ tái cấp vốn có bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại tham gia giải ngân gói tín dụng này và hiện nay đang cho vay ở mức 5%/năm. Vì có sự ưu đãi nên đối tượng thụ hưởng được khoanh vùng cụ thể. Chỉ những doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mới được vay nhưng cũng chỉ giới hạn khoảng 30% tổng nguồn vốn ưu đãi này, còn lại là dành cho người mua nhà thuộc đối tượng quy định trong Nghị định 188 mới được vay.

Còn gói 50.000 tỷ đồng hoàn toàn là một gói tín dụng thương mại thông thường, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, Nhà nước gần như không phải can thiệp, không có cấp vốn hay bù lãi suất hoặc khoanh vùng đối tượng tham gia. Việc giải ngân hoàn toàn là vấn đề thị trường có sự tự nguyện, thỏa thuận và giao kết giữa các bên tham gia.

Tuy nhiên, khi hình thành gói tín dụng này, các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các bên tham gia cũng phối hợp với nhau để đảm bảo dòng tiền cho vay đối với các dự án này là chỉ 1 lần và được chuyển thẳng cho các đối tượng liên quan, sử dụng đúng mục đích. Có như vậy mới tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hay một số chủ đầu tư đang có cái khoản nợ đối với ngân hàng hoặc những khách hàng chưa thanh toán hết tiền mua nhà bởi không bị khấu trừ, “siết nợ” ngay.

Thực ra, lượng vốn cung ra không phải là yếu tố quan trọng nhất mà quan điểm của Bộ Xây dựng là ủng hộ phương thức cho vay tín dụng này vì dòng tiền được lưu thông an toàn trên thị trường mà vẫn tránh được rủi ro, nợ xấu và tăng lạm phát. Mô hình này triển khai đúng thì sẽ nhiều doanh nghiệp tham gia và nguồn vốn sẽ càng dồi dào hơn.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Gói tín dụng này sẽ tác động thế nào tới thị trường bất động sản, thưa Thứ trưởng?

Trong bối cảnh nền kinh tế đang có những tín hiệu tích cực, từng bước hồi phục tốc độ tăng tưởng thì gói tín dụng này lại đặc biệt chỉ hướng đến riêng lĩnh vực xây dựng và bất động sản sẽ như một chất xúc tác tiếp thêm lực cho sự phát triển của khu vực này. Bất động sản là thị trường rất quan trọng trong nền kinh tế với tính liên thông cao đối với các thị trường khác như tiền tệ, lao động, vật liệu xây dựng... Do đó, khi bắt được tín hiệu tốt của thị trường thì các nhà quản lý, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội phải chủ động hưởng ứng tác động tích cực này.

Trong bối cảnh này, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng hợp lực và đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là tác dụng rất tích cực. Nhà nước không phải bỏ ra nguồn lực nào cả, không phải bù đắp lãi suất, không phải có chế độ riêng biệt mà đây hoàn toàn là nguồn tiền do các ngân hàng tự huy động từ trong dân và cho vay với lãi suất thương mại. Nếu nguồn vốn từ gói tín dụng lãi suất ưu đãi do Chính phủ hỗ trợ thì đối tượng vay sẽ bị giới hạn và kiểm soát.

Tuy nhiên, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng không hạn chế đối tượng. Chỉ cần đối tượng là các chủ đầu tư bất động sản, doanh nghiệp nhà thầu thi công, đơn vị sản xuất - cung cấp vật liệu và các ngân hàng tự nguyện tham gia liên kết với nhau thì sẽ đưa vào cái diện được vay.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục cần sự kiểm soát chặt chẽ để tránh lạm phát, gia tăng nợ xấu nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng thì gói tín dụng này sẽ góp phần đưa dòng tiền được lưu thông vào nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế. Bản chất đây là gói tín dụng thương mại thông thường nhưng lại đẩy mạnh cho vay cụ thể vào các dự án bất động sản, nhà ở, nhất là giúp các công trình đang dở dang hoàn thành nốt để có sản phẩm bán cho xã hội. Như vậy, tính thanh khoản sẽ được cải thiện. Dòng tiền này đảm bảo không gây ra nợ xấu nếu thực hiện tốt vì chuỗi liên kết này kiểm soát được cả 4 nhà, đồng tiền hướng đúng vào dự án, đúng mục tiêu. Khi ấy, dự án không lo bị siết nợ, chỉ có 1 lần thanh toán và không có chuyện chuyển tiền “lòng vòng.”

Các chi phí cùng lúc được giảm nhờ thời gian chuyển tiền rút gọn, lãi vay giảm thiểu; giá vật liệu xây dựng cũng giảm thông qua việc mua trực tiếp từ nhà sản xuất, không phải thông qua chi phí lưu thông... Với chi phí vốn giảm, tốc độ dự án lại được tăng nhanh và lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng. Như vậy, thị trường bất động sản vốn đã đang ấm lên sẽ lấy lại được lòng tin người tiêu dùng.

- Nhiều người lo ngại khi vay vốn sẽ bị “chỉ định” hoặc “đóng khung” các nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Khi hình thành sàn giao dịch vật liệu xây dựng chuyên nghiệp có nguy cơ dẫn đến độc quyền trong phân phối không, thưa Thứ trưởng?

- Chuỗi liên kết này gọi chung là 4 nhà thì phải hiểu trong số này có nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Và trong số này có Tập đoàn kinh doanh vật liệu xây dựng Thiên Thanh là người đứng ra đề xuất lập Sàn giao dịch vật liệu xây dựng. Đây là một cái “chợ,” nơi để nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng đến đấy để bầy hàng, thiết lập các giao dịch. Như vậy, sẽ tạo được sự thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà thầu khi chỉ cần đến một địa điểm mà có thể mua được tất cả các loại vật liệu sử dụng cần thiết theo yêu cầu từ nhiều nhà cung cấp các nhau. Hoàn toàn không có chuyện chỉ định hay ép buộc phải chọn chủng loại hàng của nhà sản xuất nào. Các sản phẩm vật liệu xây dựng sẽ phải cạnh tranh bằng giá và chất lượng.

Đây là sáng kiến tốt, nhà thầu hay đơn vị xây dựng tham gia chuỗi liên kết này có thể mua bất kỳ sản phẩm của các nhà sản xuất khác với điều kiện nhà cung cấp ấy phải tham gia ký kết hợp đồng 4 bên và cam kết sản phẩm vật liệu xây dựng đúng chủng loại, đúng chất lượng, giao hàng trước khi thanh toán...

Ngân hàng cũng cam kết giải ngân thanh toán theo hợp đồng cho bên nhà cung cấp tham gia chuỗi liên kết chứ không phải bắt buộc khách hàng chỉ được lựa chọn sử dụng sản phẩm duy nhất của một nhà cung cấp vật liệu xây dựng trong cái sàn giao dịch này.

  • 0
  • By Admin
  • 09/05/2014
  • 17