Thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường: Nhiêu khê và rắc rối
Ai sẽ là người "định" giá thị trường để áp mức tiền, để người dân và DN đóng?
Trước thời điểm Nghị định (NĐ) 69 có hiệu lực thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất được đóng theo quy định giá đất do chính quyền địa phương ban hành, nay khi NĐ 69 ra đời, theo ước tính của cơ quan chức năng thì mức đóng tăng từ 4 đến 5 lần so với trước đây vì giá tiền thu được áp theo... giá thị trường. Nhưng giá thị trường thì tiêu chí nào để xác định chuẩn để tránh gây thiệt hại cho người dân?
Có một điều lạ lùng là muốn biết được “giá thị trường” thì người dân khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất lại phải thuê công tty thẩm định giá, sau đó mức giá được thẩm định đó phải thông qua một hội đồng thẩm định giá của chính quyền địa phương. Quy định như vậy quả là gây phiền hà và rắc rối cho người dân.
Trong khi nhu cầu đô thị hoá ngày càng được phát triển, đất ở khu vực ven nội đô sẽ là nơi hút khách. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân là rất lớn, trong khi hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày một nhiều, mà việc giải quyết thì vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, nên mọi giao dịch đất đai của người dân cũng bị ngừng trệ.
Thời gian trước đây, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và quyền sở hữu nhà ở cũng đã bị ngừng trệ một thời gian dài để chờ hướng dẫn của cấp trên, nay NĐ 69 ban hành khiến các ngành chức năng ở địa phương cũng lúng túng bởi cụm từ “giá thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Ngà (Mễ Trì Hạ, Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng bởi mảnh đất nông nghiệp của gia đình bà đã được bán theo giá thoả thuận giữa hai bên, nếu áp dụng theo bảng giá của UBND TP.Hà Nội thì “phần lời” từ mảnh đất chấp nhận được, nay thu theo giá thị trường thì bà Ngà cũng không biết mình sẽ mất thêm bao nhiêu tiền, cái khó là thủ tục mua bán hai bên đã hoàn tất bước đầu (tiền đã nhận một phần), nhưng nay hồ sơ không được giải quyết vì phải chờ đợi, khiến người mua có ý không muốn mua nữa vì không biết đến bao giờ mới hoàn tất được thủ tục giấy tờ.
Chị Ngô Việt Anh mua mảnh đất nhà bà Ngà cho hay, nay vì Nhà nước quy định thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì bà Ngà lại yêu cầu tôi phải “cưa đôi” số tiền vênh đó. Chị Việt Anh cho biết: Khi cơ quan chức năng đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thì cần cân nhắc đến tính khả thi khi triển khai. Trước đây đã quy định việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo hai mức là 2%/tổng giá trị hợp đồng hoặc 25% trên mức chênh lệnh giữa giá bán và giá mua trong điều kiện phải có đủ giấy tờ chứng minh các chi phí liên quan, do không thể xác định được các chi phí liên quan nên người dân lựa chọn, mức đóng 2%/tổng giá trị hợp đồng do hai bên thoả thuận để chịu mức thuế thấp.
Dư luận lên tiếng, Bộ Tài chính đã phải chỉnh sửa để vừa “thuận” cho các cơ quan có thẩm quyền và người dân. Chị Việt Anh bức xúc: Nếu Nhà nước thấy áp bảng giá thu tiền sử dụng đất theo quy định của từng địa phương là thấp, thì phải chọn cách tính khác sao cho dễ thực hiện, nay để thu theo mức giá thị trường mà người dân phải thuê đến hội đồng thẩm định thì nhiêu khê quá, người dân bị ách tắc giao dịch, những thiệt thòi do những quy dịnh rắc rối và nhiêu khê đó ai chịu? Theo tôi, chính cả hội đồng thẩm định giá cũng không biết căn cứ vào đâu để xác định giá đó là theo thị trường.
Ông Đồng Đức Bình (phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TPHCM) cho biết: Nếu không có khung giá chuẩn thì khó có sự định giá chính xác theo giá thị trường. Giá thị trường không ổn định, bị điều chỉnh bởi các “cò” đất, lên xuống thất thường. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên nhanh chóng tháo gỡ giá mang tính định tính này để người dân khai thông việc giao dịch.
- 0
- By Admin
- 22/06/2010
- 17