Thu thuế ủy quyền giao dịch BĐS: Quá nhiều ý kiến phản đối
>> Thu thuế đối với việc ủy quyền nhà đất: Suy diễn, áp đặt?>> Chi cục Thuế các địa phương rối bời với hướng dẫn mới của Tổng cục Thuế
Hiện đang có hai luồng ý kiến trái triều xung quanh việc thu thuế đối với hoạt động ủy quyền giao dịch BĐS. Nếu không thu thuế sẽ gây thất thoát lớn cho ngân sách; còn nếu thu, người dân phải nộp thuế oan.
Trái luật
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia Tp.HCM, cho rằng theo các điều 581, 584, 585, 586, 587 của Bộ Luật Dân sự thì người được ủy quyền thực hiện một số công việc được giao trong phạm vi ủy quyền và văn bản ủy quyền không phải là một loại hợp đồng, càng không phải là hợp đồng mua bán chuyển dịch tài sản, để từ đó phát sinh các nghĩa vụ tài chính theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và lệ phí trước bạ của các bên.Bên cạnh đó, theo Luật Thuế TNCN thì không có điều khoản nào quy định bên ủy quyền, ủy quyền cho bên được ủy quyền phải nộp thuế TNCN. Qua đó cho thấy văn bản số 1133 của Tổng cục Thuế là trái luật do không có cơ sở pháp luật nào để buộc người dân và cơ quan Nhà nước phải thi hành.
Hoạt động mua bán bất động sản “núp bóng” ủy quyền thường xảy ra đối với các dự án đất nền. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Tấn Thạnh |
Ngoài ra, văn bản quy phạm pháp luật là do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng XHCN và được áp dụng nhiều lần trong thực tế đời sống. Trong khi đó, văn bản của Tổng cục Thuế chỉ là công văn mang tính trao đổi nghiệp vụ nội bộ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật để cơ quan Nhà nước và người dân buộc phải thi hành.
Bộ Xây dựng có quan điểm khác
Trước khi ban hành văn bản số 1133, Tổng cục Thuế khẳng định đã tham khảo ý kiến của các bộ liên quan: Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng, Tư pháp… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Bộ Xây dựng đã có văn bản phản đối việc thu thuế đối với ủy quyền giao dịch BĐS do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký.Theo đó, ủy quyền chuyển nhượng BĐS là một dạng giao dịch dân sự, người có BĐS vì nhiều lý do khác nhau không thể thực hiện được quyền của mình nên có quyền ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện quyền định đoạt. Giao dịch này không làm phát sinh việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS từ người ủy quyền sang người được ủy quyền mà chỉ là sự thay đổi chủ thể thực hiện các quyền của chủ sở hữu BĐS.
Vì vậy, Bộ Xây dựng khẳng định không có cơ sở để thu thuế TNCN cũng như lệ phí trước bạ. Mặt khác, theo quy định của Luật Thuế TNCN, chỉ những hộ gia đình, cá nhân có chuyển nhượng BĐS mà không phải là BĐS duy nhất mới thuộc diện phải nộp thuế; còn giao dịch ủy quyền không làm thay đổi chủ sở hữu, chủ sử dụng BĐS, không làm phát sinh thu nhập từ việc ủy quyền nên không thuộc diện phải chịu thuế TNCN.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận trên thực tế, nhiều trường hợp đã lợi dụng quy định ủy quyền chuyển nhượng BĐS để trốn thuế (mua bán trao tay núp bóng dưới hình thức ủy quyền) và đã gây ra nhiều rủi ro cho người được ủy quyền.
Do đó, nếu phải có giải pháp để hạn chế tình trạng trốn thuế TNCN từ việc ủy quyền chuyển nhượng BĐS thì cần đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự năm 2005 theo hướng: Chỉ cho phép chủ sở hữu được ủy quyền cho người khác thực hiện một số thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng BĐS (như soạn thảo hợp đồng, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, liên hệ với các cơ quan Nhà nước…); còn việc ký hợp đồng chuyển nhượng BĐS phải do chủ sở hữu trực tiếp ký với bên nhận chuyển nhượng, không cho phép bên được ủy quyền trực tiếp ký hợp đồng với bên thứ ba như hiện nay.
Nhiều rủi ro phát sinhTheo tiến sĩ luật Phan Đình Khánh, Trưởng Văn phòng Công chứng Phú Mỹ Hưng (Tp.HCM), mua bán BĐS lách thuế bằng hình thức ủy quyền giao dịch BĐS có thể nảy sinh rất nhiều rủi ro cho cả người ủy quyền và người được ủy quyền. Ví dụ, người được ủy quyền đem bán lại BĐS đó nhưng khi “cơm không lành, canh không ngọt”, người ủy quyền có thể lấy lại BĐS bất cứ lúc nào vì họ có quyền đơn phương chấm dứt hoạt động ủy quyền mà không cần có sự đồng ý của người được ủy quyền. Hoặc như người được ủy quyền đem BĐS đó giao dịch phi pháp, bán cho 2, 3 người chẳng hạn… thì chủ tài sản không tránh khỏi trách nhiệm liên đới vì là người đứng tên thực sự trên tài sản. |
(Theo NLĐ)
- 0
- By Admin
- 11/06/2011
- 17