Thu thuế chuyển nhượng nền nhà, căn hộ: Nhà đầu tư choáng váng
Từ ngày 25-9 tới, cơ quan thuế sẽ thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với việc chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất. Mức thu là 25% cho phần thu nhập chịu thuế (giá chuyển nhượng trừ giá vốn cộng các chi phí hợp lý có kèm hóa đơn, chứng từ).
Thu thẳng 25%
Trả lời phóng viên ngày 13-9, bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Thuế TP.HCM, khẳng định cơ quan thuế sẽ thu ngay mức 25% thuế TNCN với hợp đồng chuyển nhượng lại phần vốn góp và quyền mua căn hộ, nền nhà.
“Văn bản hướng dẫn tổ chức kinh doanh bất động sản tính thuế TNCN về các chuyển nhượng phần vốn góp và quyền mua nền đất, căn hộ Cục Thuế đã chuyển đi rồi. Trong đó cũng nêu rõ với các chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất có hợp đồng, hóa đơn, chứng từ cụ thể thì sẽ thu ngay mức 25% phần chịu thuế và sẽ không chấp nhận người khai thuế tự áp thuế 2% trên giá chuyển nhượng” - bà Nga cho biết. Lý do được bà Nga giải thích là các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNCN không quy định điều này. Trước đây, Bộ Tài chính có Công văn số 762 hướng dẫn người nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản được lựa chọn cách tính thuế có lợi. Thế nhưng văn bản này hiện đã bị hủy bỏ theo Thông tư 161 (Thông tư Bộ Tài chính ban hành ngày 12-8-2009 hướng dẫn về thuế TNCN).
Nhà đầu tư xôn xao
Thông tin sẽ tính thuế TNCN mức 25% cho các chuyển nhượng bất động sản dạng góp vốn lập tức khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Anh Lê Văn Trọng (quận 6) cho biết nếu áp ngay mức thuế 25% thì một nền đất 100 m2 của anh tại quận 9 dù hiện tại bán lỗ vốn vẫn phải nộp thuế.
“Giá trong hợp đồng ban đầu của chủ đầu tư lô đất tôi sở hữu là ba triệu đồng/m2. Tôi mua lại đất này của người khác với giá 12 triệu đồng/m2, nay nếu bán lại 10 triệu đồng/m2 thì dù lỗ mất hai triệu đồng nhưng tôi vẫn phải đóng thuế TNCN mức 25% cho phần chênh lệch bảy triệu đồng một m2” - anh Trọng thắc mắc.
Nhiều ý kiến cho rằng thuế TNCN với chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ áp mức thu 2% trên hợp đồng là thuận lợi nhất. Ảnh minh họa: MAI THẢO |
Với các giao dịch giá thấp thì người bán còn chờ đợi cơ quan thuế thay đổi nhưng với các giao dịch giá cao ở các khu như quận 2, 7, Nhà Bè, Bình Chánh..., nhiều đại gia hiện đang tranh thủ xả hàng để né thuế.
Bà Thu Phượng sở hữu hai nền đất Him Lam (quận 7), cho biết đang nhờ nhiều nhà môi giới rao bán với giá giảm một triệu đồng/m2. Theo bà: “Tôi muốn bán nhanh vì kéo dài phải nộp thuế TNCN. Mặt khác, chuyển nhượng nền đất ở dự án Him Lam này chỉ thể hiện qua các phụ lục hợp đồng chứ không ra công chứng được. Vì vậy, nếu không né được cũng khó nộp thuế vì các chi phí phát sinh như vay mượn tiền anh em, bà con để mua đất đâu có hóa đơn, chứng từ”...
Tương tự, anh Lê Văn Quân sở hữu một căn hộ Phú Mỹ hơn 100 m2 cũng tất bật tìm khách sang lại. “Tôi muốn bán ngay căn hộ này để lấy tiền mặt còn hơn chờ được giá nhưng sau đó phải đóng thuế TNCN”.
Thu mức 2% là hợp lý
Ông Trần Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà Việt Nam, cho biết khi áp thuế TNCN mức 25% cho chuyển nhượng các hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất thì thị trường bất động sản sẽ bị tác động mạnh. Bởi lẽ các hợp đồng dạng này chiếm khoảng 60%-70% các giao dịch trên thị trường nhà đất. Ở thị trường thứ cấp, giao dịch chủ yếu là giữa các nhà đầu tư, vì vậy khi giá vốn bỏ ra quá lớn thì nhà đầu tư sẽ cân nhắc.
Nhiều chuyên gia bất động sản khác cũng cho rằng việc thu thuế các chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất là cần thiết nhưng cách thu thuế thế nào để thị trường không đóng băng mới quan trọng. Ông Nguyễn Xuân Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Him Lam Land, kiến nghị cơ quan thuế nên thu mức 2% trên giá trị hợp đồng. Như thế đảm bảo nhà nước không thất thu thuế và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp và cả nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Him Lam Land: Khó yêu cầu người bán có đủ hóa đơn, chứng từ Việc áp mức 25% thuế TNCN các chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ, nền đất là khó khả thi. Thực tế các hợp đồng dạng này chưa được pháp luật về giao dịch dân sự công nhận. Mặt khác, sang nhượng các hợp đồng kiểu hứa mua hứa bán, hợp đồng hợp tác đầu tư bất động sản... thường qua rất nhiều đời chủ khác nhau. Vì vậy, đòi người bán có đủ hóa đơn, chứng từ để tính phần chênh lệch về giá là không thể. Việc thu thuế TNCN các hợp đồng dạng góp vốn này liệu có sai hay không vì xét về bản chất thì đây là các dạng góp vốn đầu tư sinh lãi. Nếu như vậy, tại sao cơ quan thuế không thu thuế TNCN từ góp vốn, đầu tư vốn sinh lãi? Ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sacomreal - S: Sao lại bắt doanh nghiệp đứng ra thu thuế? Việc cơ quan thuế buộc doanh nghiệp bất động sản phải đứng ra thu hộ thuế TNCN cho các chuyển nhượng dạng này là rất áp đặt. Luật Quản lý thuế chỉ nêu các cơ quan chi trả mới đứng ra thu thuế TNCN, còn với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ làm dịch vụ thì tại sao lại đứng ra thu khoản thuế này? |
- 0
- By Admin
- 14/09/2009
- 17