• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thu thuế chuyển nhượng BĐS: Ngành thuế lúng túng, dân bức xúc

Dù biết rằng, đóng thuế là nghĩa vụ của người dân đối với Nhà nước, tuy nhiên nhiều người dân đang rất bức xúc  trước cách áp dụng khoản thuế thu nhập cá nhân từ việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS), nhất là với các trường hợp mua bán nhà đất dạng “lúa non” (hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán nhà đất hình thành trong tương lai.... – PV).

Trong khi đó, nhiều câu hỏi đặt ra và thực tế phát sinh trong quá trình áp thuế cho từng trường hợp cụ thể khiến cho ngành thuế không khỏi lúng túng.


Làm hồ sơ nhà đất tại quận 7 - TPHCM. Ảnh: T.THẠNH

“Cơ quan thuế thu sai ?”


Đó là tâm lý chung của hầu hết người dân mà chúng tôi tiếp xúc được xung quanh việc áp thuế cho người dân khi mua bán, chuyển nhượng BĐS.

 

Anh Trần Văn Sơn dù chỉ sở hữu duy nhất một căn hộ, tuy nhiên khi anh chuyển nhượng vẫn bị cơ quan áp thuế 2% với số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng cho hợp đồng chuyển nhượng trị giá trên 5 tỉ đồng. Anh Sơn thuật lại: Tháng 8-2009, anh mua lại căn hộ ở quận 7 từ một người quen, sau đó anh được Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng ký hợp đồng mua bán căn hộ, được xuất hóa đơn với giá trên 5 tỉ đồng và cũng đã có biên bản bàn giao căn hộ.

 

Đến tháng 10-2009, anh Sơn bán căn hộ cho người khác có công chứng đầy đủ với khoản lời chỉ có 30 triệu đồng. Những tưởng với đầy đủ các giấy tờ chứng minh đầu vào, đầu ra anh chỉ phải đóng 25% trên khoản tiền lời 30 triệu đồng (tương đương 7,5 triệu đồng - PV), thậm chí không phải đóng đồng nào do đây là căn hộ duy nhất.

 

Tuy nhiên, khi cơ quan thuế quận 7 ra thông báo về khoản tiền phải nộp quá lớn như trên, khiến anh Sơn không khỏi bức xúc, nói: “Vì sao chủ đầu tư đã có biên bản bàn giao nhà, hợp đồng mua bán nhà, căn hộ đã có trong thực tế... nhưng cơ quan thuế vẫn cho rằng đây là dạng hợp đồng góp vốn rồi không miễn thuế cho tôi, chưa kể đây là căn hộ duy nhất mà tôi có?”.


Trả lời về trường hợp này, bà Đỗ Thị Hoàng Oanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận 7, cho biết: Trường hợp anh Sơn, dù đã nhận căn hộ vào ở nhưng chưa được cấp giấy chủ quyền nên chưa được xem là nhà ở, do vậy vẫn phải áp dụng là trường hợp góp vốn BĐS. Còn việc vì sao không được miễn thuế, bà Oanh cho rằng hiện luật, nghị định, thông tư và các hướng dẫn của ngành thuế chỉ miễn cho trường hợp đã có nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất, còn đối với những dạng nhà đất “lúa non” thì chưa có hướng dẫn cụ thể nên muốn được miễn phải chờ. “Vì sao trường hợp này không được áp thuế suất có lợi cho người dân, cụ thể là 25% trên khoản tiền lời, thay vì 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng?”, chúng tôi đặt vấn đề.

 

Bà Oanh khẳng định: “Theo quy định do Tổng cục Thuế hướng dẫn thì chỉ người mua đầu tiên từ chủ đầu tư khi chuyển nhượng lại mới được áp thuế suất 25% trên khoản lợi nhuận có được, còn những trường hợp thứ hai trở về sau thì phải áp thuế suất 2% trên hợp đồng chuyển nhượng...”.


Bi, hài khi “tình ngay, lý gian” ! 


Nếu cơ quan thuế không “linh động” và cứ áp thuế theo đúng quy định đã hướng dẫn, có thể nhiều trường hợp người dân ấm ức bởi khoản tiền thuế thu nhập phải nộp là quá cao. Cụ thể là những trường hợp được mua nhà sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP.

 

Theo một cán bộ thuế, rõ ràng đầu vào ở đây đã được xác định trên quyết định hóa giá, còn đầu ra được căn cứ theo hợp đồng mua bán nên mức thuế suất phải áp là 25%. “Do giá bán nhà đất cho người dân ở dạng này là rất rẻ do được Nhà nước có những ưu đãi, nay bán lại cho người khác theo đúng giá thị trường thì khoản thuế phải nộp đôi khi lên đến cả tỉ đồng, thậm chí vài tỉ đồng. Nếu áp đúng quy định thì người dân thiệt thòi, nhưng còn áp thuế suất 2% thì cán bộ vừa làm vừa run bởi vấn đề này cũng chưa có hướng dẫn cụ thể...”, vị này băn khoăn.


Cũng bi, hài không kém là những trường hợp trước đây mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng vàng. Chị Nguyễn Thị Hương trước đây mua căn nhà hết 100 lượng vàng (lúc đó giá vàng 15 triệu đồng/lượng), tương đương 1,5 tỉ đồng. Nay bán lại căn nhà chỉ có 70 lượng vàng, rõ ràng nếu tính vàng chị lỗ nặng bởi mất đến 30%, song nếu chuyển đổi từ vàng sang tiền theo giá hiện nay (28,5 triệu đồng/lượng) thì số tiền thu về là gần 2 tỉ đồng, xem ra lại lời gần 500 triệu đồng. “Vậy trường hợp này áp theo thuế suất nào? Căn cứ theo vàng thì không thể thu thuế, còn theo tiền thì phải nộp một khoản kha khá” - một cán bộ Cục Thuế TP đưa ra dẫn chứng.


Trước đây, khi các nghị định, thông tư về hướng dẫn áp dụng thuế thu nhập cá nhân chưa ban hành, một thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu trên báo chí cho rằng: Người dân được quyền chọn mức thuế suất theo hướng có lợi cho mình, tuy vậy trên thực tế người dân luôn phải phụ thuộc vào cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ để áp thuế, trong khi đó văn bản hướng dẫn chưa thật sự rõ ràng và cũng không hiểu theo một nghĩa thống nhất. Do vậy, khi người dân gặp bất lợi nên luôn có ý nghĩ mình bị cơ quan thuế ép, từ đó sinh ra ấm ức.

 

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, nhìn nhận trong quá trình áp thuế đúng là có nhiều vấn đề mới phát sinh cần được Trung ương hướng dẫn thêm, do vậy ngành thuế đang tập hợp những vướng mắc trong quá trình xử lý để xin ý kiến về hướng giải quyết hợp tình, hợp lý cho người dân.

 

 

 

Một lãnh đạo ngành thuế TPHCM thừa nhận, trong quá trình áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân từ BĐS đang tiềm ẩn những nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện giữa người dân và cơ quan thuế, do những hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ trong khi đó qua thực tế áp dụng lại đang phát sinh rất nhiều vấn đề cần xử lý ngay.

 

Theo NLĐ
  • 0
  • By Admin
  • 07/12/2009
  • 17