Thu nhỏ quy mô, doanh nghiệp địa ốc dễ bị thao túng?
Thu nhỏ quy mô
Một vị giám đốc doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Trung Hoà Nhân Chính thừa nhận, doanh nghiệp này đã phải cắt giảm gần như toàn bộ nhân viên của sàn (trực thuộc chủ đầu tư). Mất chức năng kinh doanh bán căn hộ, bây giờ sàn chuyển thành phòng kinh doanh chuyên quản lý hồ sơ và chăm sóc khách hàng. Trong khi đó, nhân sự của phòng marketing và truyền thông cũng bị tinh giản. Nếu so với thời điểm năm 2010, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp đã "nhẹ" hơn rất nhiều.
Vị này cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đối tác có khi chỉ còn chưa đến 10 nhân viên kể cả... ban lãnh đạo. Sau giai đoạn ảm đạm, từ năm 2009-2012, các doanh nghiệp đều cắt giảm khoảng 50% nhân lực để tinh gọn bộ máy. Sang đầu năm 2014, dù thị trường đã bước đầu hồi phục song các doanh nghiệp vẫn chưa có ý định tuyển thêm nhân sự mà vẫn chủ yếu tập trung vào sản phẩm, còn việc bán hàng thì giao cả cho các sàn. Hiện nhân lực mà các chủ đầu tư đang thiếu chủ yếu ở những vị trí cao như giám đốc phát triển kinh doanh, marketing...
Giới kinh doanh địa ốc cũng tin rằng, nếu muốn tồn tại với thị trường, các doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh đúng đắn từ đó phát triển thương hiệu, đưa ra chiến lược thoát khỏi khủng hoảng. Trong đó, cơ cấu lại nhân sự được cho là một trong những cách làm mới mà không mới tại số đông doanh nghiệp.
Kiểu căn hộ có diện tích nhỏ hơn nhưng thiết kế "chất" hơn đang là xu hướng |
Tình trạng nhiều chủ đầu tư địa ốc chấp nhận thu hẹp số lượng nhân sự tại sàn "sân nhà" và trao tay cho các đại lý phân phối chuyên nghiệp được cho là một xu hướng tất yếu. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc sàn Info cho rằng, xu hướng dịch chuyển này là một bước tiến mới giúp cho thị trường bất động sản có sự chuyên môn hoá tốt hơn.
Theo đó, các chủ đầu tư sẽ tinh giản nhân viên kinh doanh, thay vì số lượng cồng kềnh như trước đây, họ chỉ giữ lại những vị trí chủ chốt có nhiệm vụ định vị sản phẩm, xây dựng chiến lược bán hàng, quản lý hợp đồng và quản lý đại lý phân phối.
Xu hướng này cũng xuất phát từ việc các chủ dự án nhận thấy chi phí để vận hành một bộ máy nhân viên kinh doanh quá cồng kềnh và quá lớn so với hiệu quả đạt được. Gốc rễ của vấn đề này cũng do các chủ đầu tư thường "rót tiền" vào từng dự án riêng lẻ nên sẽ có những thời điểm trong năm, nhân viên kinh doanh không có sản phẩm để bán.
Trông cậy môi giới
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các ông chủ dự án vốn nắm giữ sinh mạng của sản phẩm lại đang chịu sự chi phối của các đơn vị môi giới trung gian. Hiện thị trường có không ít các sàn giao dịch "làm mưa làm gió" thậm chí có quyền quyết định cả giá bán căn hộ của doanh nghiệp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Mỹ Đình cũng phải thừa nhận, dù chưa có thông tin mở bán nhưng nhiều sàn môi giới đã xúc tiến làm việc với chủ đầu tư và đưa ra nhiều mức giá khác nhau cho sản phẩm của đơn vị này. Thậm chí, họ sẵn sàng đàm phán để có thể bán được mức cao hơn nhiều so với giá của chủ đầu tư. Tuy vậy, phía doanh nghiệp không nhận lời vì lo nguy cơ bị thao túng.
Các chủ đầu tư bất động sản đang âm thầm tái cơ cấu nhân sự và quy mô dự án |
Nhìn lại vài năm trước đây, các sàn giao dịch bất động sản chủ yếu có nhiệm vụ bán hàng thì giờ đây, họ thâm nhập khá sâu vào dự án, cùng song hành với chủ đầu tư trong việc tung những sản phẩm phù hợp với thị trường. Các sàn nhà đất hiện nay giữ vai trò vô cùng lớn với tư cách tư vấn thiết kế dự án, lập chiến lược bán hàng, thậm chí có thể bỏ tiền đầu tư dự án thông qua một số đối tác. Thị trường hiện nay có tới trên 70% số lượng dự án do các sàn phân phối, con số này cho thấy quyền năng của họ là rất lớn.
Những ngày đầu năm 2015, anh H, vốn là giám đốc của một sàn bất động sản đã phải đích thân xuống công trường tận Thanh Trì (Hà Nội) để kiểm tra dự án. Công việc của anh H. là đốc thúc nhà thầu thi công phải đảm bảo dự án theo đúng tiến độ đề ra để kịp có sản phẩm bán. Anh H. cho rằng, trách nhiệm của mình không khác gì chủ đầu tư, bởi anh được tham gia khá sâu vào dự án từ việc thiết kế lại căn hộ, thay nhà thầu mới thi công cho đến việc lên kế hoạch bán hàng.
"Có tôi cùng song hành, chủ đầu tư dự án này khác nào chết đuối vớ được cọc. Họ giao toàn quyền quyết định cho mình miễn sao dự án được triển khai". Cũng theo anh H, việc chủ đầu tư phải trông cậy vào các sàn bất động sản không phải là chuyện hiếm. Nếu các sàn muốn có sản phẩm để bán thì phải tham gia cùng chủ đầu tư, còn các chủ dự án muốn phát triển cũng chẳng còn cách nào phải nhờ tới sàn. Tuy vậy, các sàn bất động sản hiện đang rất "có giá" nên không phải chủ đầu tư nào cũng hợp tác, họ chỉ chọn những dự án khả thi để đầu tư.
Ngay cả công tác truyền thông các sàn cũng... đảm nhiệm nốt. Cụ thể, giai đoạn đầu của quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư sẽ lên kế hoạch truyền thông sau đó thì các sàn, đại lý môi giới tự PR. Đât cũng là nguyện nhân xuất hiện các dạng quảng cáo tràn lan từ tin nhắn tới tờ rơi vỉa hè khiên các chủ đầu tư không thể nào kiểm soát được.
"Chủ đầu tư nhường quyền tự quyết cho các sàn vì họ không tốn tiền marketing. Còn các đơn vị phân phối, môi giới chấp nhận bỏ tiền ra làm web, marketing, PR, tổ chức sự kiện nhằm mục đích bán được hàng".
Theo giới lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý sàn giao dịch bất động sản, việc các chủ dự án nhường quyền phân phối tiếp thị dự án cho các sàn giao dịch, đơn vị phân phối là một hoạt động giúp thị trường có sự phân cấp rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Tuy vậy, nếu các chủ đầu tư quá phụ thuộc vào sàn thì họ sẽ phải chịu sự chi phối của sàn, và còn một hệ lụy khác là người mua nhà có thể bị thổi giá và chịu thêm giá chênh.
- 0
- By Admin
- 25/03/2015
- 17