Thu nhập khá cũng khó mua nhà
Thời điểm này, người dân tìm mua một căn nhà là rất khó. Ảnh minh họa |
“Giá đất hiện nay đã ở mức quá cao so với thu nhập cũng như khả năng chi trả của nhiều người dân, kể cả những người có thu nhập tốt. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao cho việc định khung giá đất nhưng việc tăng giá hiện nay không thuộc trách nhiệm của Bộ vì việc xác định giá đất cụ thể lại thuộc về Bộ Tài chính”.
Cuối năm thường là thời điểm nhiều người chưa có chỗ an cư muốn tìm cho mình một chỗ ở, nhưng công đoạn tìm nhà thời điểm hiện tại quá gian nan. Nguyên nhân chủ yếu là tại thời điểm này những người có đất, có nhà cần bán đều nhìn vào giá vàng để định giá.
Anh Nguyễn Thế Minh, cán bộ kỹ thuật, Công ty TNHH Máy tính và Thương mại Hùng Sơn, Hà Nội cho biết: “Tôi có nhu cầu mua một căn hộ chung cư nhỏ khoảng trên 1 tỷ đồng nhưng tìm cực khó. Ban đầu, vợ chồng tôi dự kiến sẽ mua được căn hộ khoảng 40- 45m² nhưng gần như không có căn hộ nào với diện tích này rao bán ở mức tiền mà tôi có. Hầu hết người bán đều mang giá vàng ra để so sánh rằng họ đã bị lỗ nặng”.
Cũng có mức tiền như anh Sơn nhưng chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ truyền thông Công ty viễn thông quốc tế FPT than thở: “Cũng định mua nhà chung cư để có chỗ ở ngay, đỡ phải thuê nhà nhưng với số tiền hơn 1 tỷ đồng không thể mua được căn hộ có 2 phòng ngủ cho 4 người nên tôi quyết định đến vùng ven mua đất, khi được giá sẽ bán nhưng đất cũng rất khó tìm”. Theo chị Hà, giá đất quanh trục đường Lê Văn Lương kéo dài như Văn Khê, Văn Phú, Xa La... đều tăng từ 20 - 25%, thậm chí 50% so với tháng trước, như đất dịch vụ ở Vạn Phúc từ 30 triệu đồng/m² lên 47 triệu/m². Chị Hà ngán ngẩm: “Thu nhập khá trở lên cũng khó có thể mua được đất ở vùng ven với mức giá hiện nay chứ đừng nói là thu nhập trung bình”.
Bên cạnh đó, thông tin ngoài luồng sẽ ngừng xây dựng nhà liền kề khiến giá của loại bất động sản này cũng được thể tăng chóng mặt. Giá các ô liền kề mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài thuộc đô thị Văn Phú tăng từ 45 triệu đồng/m2 lên 70 - 75 triệu đồng/m²; Dự án Văn Khê lên mức từ 80 - 100 triệu đồng/m² tùy theo mặt đường lớn nhỏ; khu A dự án Lê Trọng Tấn Geleximco liền kề cũng tăng lên mức trên 80 triệu đồng/m². Các lô liền kề, biệt thự dự án Vân Canh cũng có giá trên 50 triệu đồng/m2 thay vì 35 triệu đồng/m² trước đó. Xa hơn như Phú Lương, Phú Lãm, thuộc Hà Đông; Thanh Lương, Cự Khê, Cự Đà huyện Thanh Oai... cũng tăng từ 15- 17 triệu đồng/m² lên 20-30 triệu đồng/m². Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Thông tin ngừng xây dựng nhà liền kề ở các dự án mới là không có thật”.
Giao dịch về “mo”
Mặc dù giá nhà, đất tiếp tục tăng mức kỷ lục nhưng qua thực tế khảo sát tại những khu vực bất động sản được cho là “nóng” tại Hà Nội như Văn Khê, Văn Phú, Lê Văn Lương kéo dài (Hà Đông), Mỹ Đình, Tây Mỗ, Đại Mỗ (Từ Liêm), Thanh Lương, Cự Khê (Thanh Oai)... giao dịch thực tế gần như đứng im.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc đầu tư sàn giao dịch BĐS Shodex Tây Bắc cho biết: “Giá cao nên giao dịch rất khó được thực hiện. Một tháng trở lại đây giao dịch nhà đất tại sàn Shodex gần như về mo. Việc giá nhà, giá đất đang tăng lên mức quá cao là do chiến thuật cung hàng nhỏ giọt và chiến thuật hợp tác đẩy giá của các nhà đầu tư lớn. Chẳng hạn như dự án KĐT Dương Nội khi mới đưa ra thị trường, chủ đầu tư chào giá 45 triệu đồng/m² liền kề nhưng mỗi lần rao bán trên sàn chỉ có số lượng vài ô rồi dừng bán khiến cho thị trường khan hàng. Hơn nữa, việc các chủ đầu tư không bao giờ bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu thực mà thường thông qua các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư lại bán lại qua 3 - 5 khâu trung gian rồi mới đến tay người có nhu cầu thực nên giá thường bị đẩy lên rất cao”.
Cũng theo ông Giang, giá nhà đất tăng còn do “cò” đất có mặt ở mọi nơi nên người cần bán và người cần mua thực không có cơ hội gặp nhau mà đều bị “cò” nẫng tay trên để “thổi giá”.
GS. TS Đặng Hùng Võ cũng khẳng định: “Hàng loạt nguyên nhân khiến giá đất tăng trong thời gian gần đây như: Hạ tầng được cải thiện, nhiều con đường chính lên khu trung tâm đã hoàn thành, giá nguyên liệu, giá xây dựng tăng, nhiều dự án nhà liền kề, biệt thự đã được bàn giao và có thể ở ngay... Hơn nữa, việc giá vàng tăng cao, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn bất động sản như là một tài sản ổn định và là kênh đầu tư an toàn khi giá trị đồng tiền ngày càng mất đi nên người có đất cũng không thật tha thiết bán. Đây là giai đoạn chạy đua giá dù giao dịch thật sự gần như không có”.
(Theo GiadinhNet)
- 0
- By Admin
- 27/11/2010
- 17