Thủ đô sau ngày mở rộng: Dồn lực cho các dự án giao thông
Tốc độ thi công đường Khuất Duy Tiến vẫn “giậm chân tại chỗ” Ảnh: Đàm Duy |
Nhiều dự án chậm tiến độ
Từ nhiều năm nay, đường Nguyễn Trãi vẫn được coi là tuyến ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Cách đây chừng 10 năm, lưu lượng xe cộ qua lại trên tuyến chỉ có 9.000-10.000 lượt xe/ngày, đến thời điểm hiện tại đã tăng khoảng 8 lần.
Đường cao tốc Láng-Hòa Lạc và Quốc lộ 32 Nhổn-Sơn Tây đang được mở rộng, sẽ trở thành những tuyến huyết mạch từ Hà Nội đi qua nhiều vùng đất của xứ Đoài, cũng đang thi công dang dở với tiến độ rất chậm. Trong một lần đi kiểm tra đường Láng-Hòa Lạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, chậm nhất đến cuối năm 2009, dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu có chung tình trạng “đắp chiếu” máy móc vì xăng dầu, chi phí nhân công, máy móc đang đội giá. Dự án cải tạo Quốc lộ 32 đến nay vẫn bế tắc do gặp nhiều trở ngại.
Hàng loạt dự án giao thông khác cũng đang trong tình cảnh tương tự. Tuyến Vành đai 3-cầu Thanh Trì, cách đây hơn 5 năm, khi khởi công xây dựng, người ta đặt mục tiêu sớm hoàn thành nhằm giảm đáng kể tình trạng ách tắc và quá tải cho tuyến Quốc lộ 1A mới (đoạn Pháp Vân-Thanh Trì) cũng như đường Thăng Long-Nội Bài. Nhưng, sau ngần ấy năm, nhiều đoạn trên tuyến vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, điển hình là đoạn từ đường Láng-Hòa Lạc, Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình) đến Pháp Vân, Quốc lộ 1A. Đoạn Pháp Vân-Mai Dịch với mục tiêu khi khai thông sẽ góp phần xóa nạn ùn tắc cho khu vực phía Tây Hà Nội, kết nối giao thông với khu vực Thường Tín, Cầu Giẽ, Phú Xuyên… cũng ì ạch suốt 5 năm nay.
Các dự án đường sắt được đánh giá là rất hiện đại, nhiều tiềm năng nhưng còn trì trệ hơn. Khoảng 3 năm trước, tuyến xe điện số 3 (Nhổn-Ga Hà Nội) được khởi công nhưng đến nay, dự án vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong khu vực xây dựng ga Nhổn. Căn cứ theo quy hoạch giao thông Hà Nội vừa được Chính phủ phê duyệt, phải sau năm 2020 tuyến này mới nối lên Sơn Tây. Tuyến số 2 (Nam Thăng Long-Thượng Đình) mới còn nằm trên bản vẽ. Còn tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông-Ba La (đi trên cao) sau 5 năm chuẩn bị đầu tư vẫn trong giai đoạn... tiếp tục chuẩn bị.
Dồn lực cho các dự án giao thông đô thị
Trong cuộc họp giữa lãnh đạo TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) trước ngày sáp nhập, nhiều ý kiến đã khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay nhằm làm giảm ùn tắc giao thông là phải đẩy nhanh tiến độ của các dự án đã và đang được triển khai, đặc biệt là những dự án về giao thông giữa Hà Nội với xứ Đoài, trong đó có đường Lê Văn Lương kéo dài, đường 32, Láng-Hòa Lạc.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2020 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 300.000 tỷ đồng, sẽ dành tối thiểu 15% tổng diện tích đất cho hạ tầng giao thông. Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, từ đó xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại và dịch vụ hiệu quả.
Cũng nhằm mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, Chính phủ vừa có Nghị quyết 16/2008/NQ-CP yêu cầu UBND TP Hà Nội lập quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống bến, bãi đỗ xe; xúc tiến thực hiện các dự án xây dựng điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đô thị; đồng thời xây dựng, cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm, đường cao tốc, đường vành đai, trục đô thị chính, nút giao thông và đường sắt đô thị; khẩn trương xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm cho người đi bộ cũng như nâng cấp, bổ sung thiết bị điều khiển giao thông tại các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc…
Hàng loạt biện pháp quan trọng đã và đang được TP đề ra. Bộ máy hành chính Thủ đô đã thống nhất. Các dự án không thể được xây dựng như cách mà các đơn vị đã thực hiện thời gian qua. Hệ thống giao thông đình trệ sẽ kìm hãm tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Vì một Hà Nội mới, thành phố và các bộ, ngành, các đơn vị liên quan cần dồn toàn lực cho các dự án giao thông đô thị.
Theo Hà Nội Mới
- 252
- By Admin
- 14/08/2008
- 17