Thời phát triển của bất động sản du lịch
Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đang tăng trưởng 2 con số và dự kiến đạt 6 - 6,5 triệu lượt khách vào năm 2010, khách trong nước cũng tăng mạnh là những thông tin ảnh hưởng tích cực tới thị trường BĐS du lịch còn sơ khai của Việt Nam. Trong khi NĐT ngoại rốt ráo chiếm lĩnh những vị trí đắc địa, NĐT nội cũng không chịu bỏ lỡ cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay nhau khởi động những dự án lớn.Mô hình dự án BĐS du lịch của Vinaconex - ITC tại Cát Bà với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD.
Bốn dự án trên 1 tỷ USD nhận được giấy phép đầu tư bao gồm dự án của Công ty TNHH dự án Hồ Tràm do Tập đoàn Asian Coast Development (Canada) bỏ ra 4,23 tỷ USD để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, địa phương này cũng đã cấp phép cho Good Choices (Hoa Kỳ) đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực.
Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT với những dự án quy mô lớn. Trong đó, Công ty Starbay Holding đã chính thức được phép đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf, căn hộ cho thuê trên diện tích 500 héc-ta tại Bãi Trường.
Một dự án tỷ USD khác do liên doanh giữa CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn với Công ty TA Assiociate International (Singapore) đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng khách sạn 5 sao, cao ốc cho thuê tại Thủ Thiêm, TP. HCM.
Nhiều NĐT đến từ châu Á cũng đang chiếm lĩnh các dự án quy mô lớn, như khu đô thị lấn biển Đa Phước của Tập đoàn Deawon (Hàn Quốc) với vốn đầu tư ở giai đoạn I là 250 triệu USD; khu phức hợp du lịch resort cao cấp của Công ty Banyan Tree - Singapore (875 triệu USD) tại Chân Mây - Lăng Cô; Tập đoàn Damac (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) đăng ký đầu tư 1 tỷ USD cho một dự án resort ở Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn…
Tuy chưa thể so bì về tài chính với con số hàng tỷ USD của khối ngoại, nhưng các dự án BĐS của doanh nghiệp trong nước cũng không hề thua kém về tầm vóc, chất lượng và vị trí. Đầu năm 2008, Saigontourist sẽ xây một cụm khách sạn 4.000 phòng ở Thủ Thiêm. Công ty Thương mại và Sản xuất T&T đầu tư dự án khu du lịch tại Hòn Tre, quần đảo Hải Tặc, Hà Tiên, Phú Quốc với tổng vốn 800 tỷ đồng hay Khu du lịch sinh thái và giải trí Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm, Khánh Hòa quy mô đầu tư 3.700 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong…
Ở phía Bắc, Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà (Hải Phòng) do CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC) làm chủ đầu tư với tổng vốn 600 triệu USD đang là một trong những địa chỉ hấp dẫn NĐT thứ cấp.
Đây là khu du lịch sinh thái tổng hợp hoàn chỉnh và đồng bộ bao gồm khách sạn, resort từ 3 - 5 sao, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, bến du thuyền, bến cảng du lịch, các khu biệt thự và bãi tắm… Dự án được một công ty hàng đầu của Hoa Kỳ tư vấn thiết kế, chủ đầu tư duy trì mật độ xây dựng trung bình rất thấp (17,4%) để dành cho du khách không gian đậm chất thiên nhiên. Hiện nay, Vinaconex-ITC đã hoàn thiện san nền 70 héc-ta trong tổng diện tích 172 héc-ta.
Trong bối cảnh khó khăn về tài chính như hiện nay, liên kết phát triển dự án ở quy mô lớn là hướng đi mà nhiều NĐT tìm kiếm, lựa chọn. Dự án Cái Giá - Cát Bà do 3 tổ chức gồm Tổng CTCP Vinaconex, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Công ty TNHH Chứng khoán Agribank phối hợp thực hiện. Mới đây, Vinaconex-ITC cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Quỹ Dự trữ quốc gia Oman (SGRF). Theo đó, SGRF cam kết đầu tư khoảng 20 triệu USD và trở thành cổ đông chiến lược của Công ty.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Vinaconex-ITC cho biết, thị trường còn cơ hội, nhưng chỉ những đơn vị có chiến lược phát triển rõ ràng, nền tảng vững chắc về nhân lực và đặc biệt có thế mạnh về vốn thì mới có thể phát triển mảng BĐS du lịch. Vốn điều lệ hiện nay của VINACONEX-ITC là 300 tỷ đồng, doanh nghiệp này đang lập kế hoạch tăng thêm và mời gọi các NĐT khác cùng tham gia dự án.
Các dự án BĐS du lịch đang mọc lên ở nhiều nơi, song giới chuyên gia cảnh báo, nếu không được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng thì tính hấp dẫn của các dự án sẽ giảm đáng kể, đơn cử như việc di chuyển của du khách tại một số nơi không mấy thuận tiện, Phú Quốc hiện đang cần hàng chục chuyến bay mỗi ngày bằng máy bay lớn nhưng hiện tại, nơi này mới chỉ đủ khả năng đón nhận 5 - 7 chuyến bay mỗi ngày bằng máy bay nhỏ. Cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là bài toán đau đầu của không ít chủ đầu tư dự án BĐS du lịch, kể cả ở các đô thị lớn.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán
- 226
- By Admin
- 07/07/2008
- 17