• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Thời hạn 15/6: "Ngày tận thế" của nhà siêu mỏng?

Đi dọc nhiều tuyến đường Thủ đô, đặc biệt là những đường mới mở hoặc đang giải phóng mặt bằng (GPMB) chỉnh sửa và nới rộng, sẽ gặp rất nhiều những ngôi nhà trông như có thể đổ sập bất cức lúc nào! Đó là những nhà siêu mỏng, siêu méo đủ loại hình dáng, kích cỡ khác nhau.

Theo thống kê mới nhất của Sở Xây dựng, toàn TP Hà Nội hiện có gần 300 nhà siêu mỏng, siêu méo. Các quận như Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình là nơi có số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo lớn nhất như: Đoạn giữa của tuyến đường Lê Văn Lương (cạnh cầu La Khê), từ cầu vượt Dịch Vọng đến Nhổn (thuộc quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm), đáng chú ý là trên các tuyến đường mới mở rộng khác như Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), đường vành đai 3 (góc phố Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi).

Thời hạn 15/6: "Ngày tận thế" của nhà siêu mỏng? | ảnh 1
Những nhà siêu mỏng sẽ "biến mất" sau ngày 15-6?

Đánh giá về thực trạng này, một số chuyên gia cho rằng, đúng ra dọc các tuyến phố mới mở phải là các cao ốc chạy đều tăm tắp, hai bên đường, chân các tòa cao ốc là các cửa hàng, siêu thị, trung tâm tài chính khang trang, hiện đại. Nhưng, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Nguyên nhân là khi mở đường để phục vụ quá trình phát triển đô thị, giải quyết giao thông, việc GPMB lại chưa có phương án cụ thể, đồng bộ để tổ chức xây dựng các mặt phố theo quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố cũng chưa có, dẫn đến các công trình bị cắt xén hoặc lô đất còn lại sau GPMB có kích thước không hợp lý. Cộng với việc quản lý không chặt chẽ, vướng cơ chế chính sách, nguồn tài chính của cơ quan chức năng, khiến những ngôi nhà kiểu này ngày càng mọc lên như nấm.

Một người dân sống cạnh khu nhà siêu méo tại Nhổn phản ánh: Từ ngày GPMB để làm đường, ở đây liên tục xảy ra cãi vã, khiếu kiện vì người phải đi thì chịu thiệt khi giá bồi thường GPMB thấp, người ở lại thì giàu to vì nhà trong ngõ bỗng dưng ra mặt phố. Chính vì thế có gia đình chỉ còn lại vài ba mét đất là cố giữ lại làm lều ở, mở quán hoặc rao bán cho người khác kinh doanh. Nhìn những ngôi nhà này chẳng khác gì tổ chim nằm giữa tuyến phố.

Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm cùng cơ quan chức năng phải hoàn thành việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trước ngày 15-6 tới.

Đối với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô, chậm nhất đến trước 10-6 phải hoàn tất việc rà soát, thống kê, phân loại, lập và phê duyệt phương án xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo dọc các tuyến đường giao thông trên địa bàn, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, giám sát.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, TP cũng đã có nhiều biện pháp để xử lý vấn đề này. Đầu tháng 2 năm nay, TP Hà Nội đã có công văn gửi các quận, huyện, thị xã yêu cầu kiên quyết xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Trong đó, lãnh đạo TP còn nhấn mạnh là các công trình siêu mỏng, siêu méo đã được xây dựng, thành phố sẽ có chính sách thu hồi, GPMB.

Tiếp đó ngày 6-5, UBND TP cũng đã ban hành quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường nhằm tạo cơ sở pháp lý để UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.

Dễ nhận thấy rằng, để những ngôi nhà kiểu này biến mất thực sự cần phải có biện pháp mạnh, triệt để và quyết liệt hơn của cơ quan quản lý cùng với yếu tố không kém phần quan trọng, đó là ý thức của người dân.

(Theo PL & XH)

  • 147
  • By Admin
  • 03/06/2011
  • 17