Thời của ki - ốt chung cư?
Các kiot chung cư là những mặt bằng diện tích nằm tại các tầng thương mại của các khu chung cư và dùng để kinh doanh bán lẻ. Nhu cầu của tiểu thương và lợi ích kinh tế mà nó mang lại chính là lý do ra đời các sản phẩm lai tạp tương tự trong thời gian vừa qua.
Hà Nội cũng đã lên kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu phát triển khoảng 999 siêu thị, 64 trung tâm thương mại (TTTM) với quy mô vốn đầu tư lên tới con số 10.000 tỷ đồng/năm (sau năm 2020).
Theo một vị lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, nguồn vốn khủng trên chủ yếu đến từ việc kêu gọi các kênh đầu tư, còn loại hình triển khai sẽ là khu vực chân đế của các tòa nhà chung cư dùng cho việc phát triển hệ thống siêu thị...
Nhọc nhằn kiếp “ăn nhờ ở đậu”
Tuy việc thống nhất phương án và lộ trình chi tiết chưa được thông qua nhưng dưới góc nhìn thị trường, chủ trương này của Hà Nội đang dần chạm tới sinh kế của phần lớn tiểu thương buôn bán tại tầng thương mại dịch vụ của rất nhiều tòa chung cư, nhà cao tầng.
Xin dẫn một minh chứng nhỏ, chủ sử dụng tại các ki-ốt dịch vụ là chân các tòa tái định cư như Đồng Tàu, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Đền Lừ… đang tỏ ra khá lo lắng. Bà Vân, một tiểu thương bán hàng tại một ki-ốt Pháp Vân - Tứ Hiệp cho hay, bà đã rao cho thuê dài hạn mặt bằng kinh doanh (vừa để ở) ròng rã nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa tìm được khách.
Còn ở Linh Đàm, Nam Xa La, chuyện thuê/mua (trong thời hạn khoảng 20-30 năm) ki-ốt tầng 1 chung cư để và kiêm luôn bán hàng đã chẳng còn xa lạ. Thế nhưng mới đây lại bắt đầu lộ diện những vụ lình xình liên quan tới giá thuê ki-ốt, và đương nhiên người chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là cá nhân đang sử dụng/khai thác diện tích mặt bằng.
Đơn cử một vụ việc xảy ra hồi cuối năm 2014, hàng loạt khách hàng thuê ki - ốt tại tầng 1 các chung cư Linh Đàm, Pháp Vân, Định Công, Việt Hưng đâm đơn khiếu nại việc chủ đầu tư (HUD) tăng giá sau một thời gian dài “chung sống”.
Sau khi thanh tra, quy định ghi tăng giá (theo Quyết định 567 của Bộ Xây dựng năm 2007) và cả lý do “tự cân đối thu chi” của chủ đầu tư, cho thấy khách hàng đã lâm vào thế đuối lý.
Một mẩu tin đăng môi giới rao bán ki-ốt chung cư |
Việc tăng giá (từ 90.000 tới 240.000 đồng/m2) tùy từng vị trí của chủ đầu tư đã khiến hàng trăm tiểu thương kinh doanh ki-ốt, siêu thị chung cư tại chân công trình vẫn đang phải gắng sức gồng mình nhất là khi thanh khoản của ngành bán lẻ sụt giảm trông thấy.
Cùng chung cảnh ngộ trên là nhiều tiểu thương đang bám trụ ở ki-ốt chợ Việt Hưng (Quận Long Biên). Cách đây không lâu, hàng loạt ki-ốt tại đây buộc lòng phải đóng cửa vì hàng hóa ế ẩm trong khi giá thuê “leo thang” đột ngột.
Hoạt động ổn định nhiều năm nay, đơn vị quản lý chợ (Công ty CP Đầu tư, xây dựng, khai thác chợ Long Biên) từng 2 lần tăng giá thuê mặt bằng kinh doanh và "đính kèm" thêm những biểu phí từ tiền điện đến gửi xe một mình một kiểu. Lý do, cũng chỉ có duy nhất là “thu không đủ bù chi”…
Ki-ốt tại các chung cư được ưa chuộng?
Chỉ những tiểu thương có vốn cò con mới chịu “buôn thúng bán bưng” ở những chợ đêm sinh viên hay chợ cóc. Ở một tầm cao hơn, đã có rất nhiều cá nhân đầu tư nhanh nhạy tìm tới loại hình ki-ốt thông tầng dạng "2 trong 1" (tức vừa ở vừa kinh doanh).
Một tiểu thương tên Lan hiện đang kinh doanh ở khu Đồng Tàu chia sẻ: “Kiểu thuê ki-ốt dài hạn ở các tầng thương mại vẫn cứ là thế thụ động, rồi lại nơm nớp lo bị ép giá, tăng phí. Thà rằng mua đứt luôn, được cấp giấy chứng nhận rồi cứ thế thoải mái buôn bán, sinh sống”.
Cầu lên ắt cung bám theo. Trong quý IV/2014, ngay khi có chủ trương xây siêu thị, TTTM kết hợp của Hà Nội, các tiểu thương chuyên “ki-ốt” liên tục được chào mời tiếp cận loại sản phẩm khá mới mẻ.
Chủ nhân của số điện thoại 0948.677.xxx có lời rao như sau: hiện đang có rất nhiều suất mua ki ốt thương mại thông tầng với các loại diện tích từ 54m2, 56m2 đến 110m2. Tất cả các ki ốt này đều hướng ra mặt đường KĐT Định Công.
Tìm hiểu thiết kế, tầng 1 của ki-ốt được set-up dùng để kinh doanh và bán hàng (đủ cả từ nhà hàng, quán cà phê đến cửa hàng quần áo, shop công nghệ…) với mặt tiền phổ biến từ 4,5 đến dưới 6m. Trên tầng 2 có 2 phòng ngủ và khu bếp, vệ sinh để phục vụ sinh hoạt. Không chỉ thế, sản phẩm này còn vô cùng thuận tiện cho việc bán hàng khi nằm kề khu nhà thấp tầng ở Định Công (AZ Định Công).
Mặc dù, dự kiến quý II/2015 sản phẩm này mới bàn giao nhưng chủ đầu tư đã ra giá tới 30 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Đáng chú ý, dù đã manh nha từ năm 2013 nhưng thông tin về các ki - ốt thông tầng thương mại dạng này bỗng dưng chìm hẳn (do tiến độ chậm chạp và kiểu phát triển “thoắt ẩn thoắt hiện” của chủ đầu tư??!!).
Không ì ạch như trường hợp trên, loại hình ki-ốt thông tầng thuộc tổ hợp Golden Silk Kim Văn Kim Lũ đang được khá nhiều tiểu thương chuyên kinh doanh bán lẻ quan tâm. Sản phẩm này đang được các môi giới BĐS hoặc chợ trực tuyến chào bán tới tấp từ đầu tháng. Nhiều tin nhắn chào bán với mức giá từ 30 - 33 triệu đồng/m2 (đã có VAT) cho các loại diện tích khoảng 43 - 76m2, tiến độ thanh toán chia làm 7 đợt.
Mức giá này được cá tiểu thương rỉ tai là cao hơn so với loại hình ki-ốt thuần túy bán hàng ở dự án HH1 Linh Đàm ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai. Theo đó, mức giá ki - ốt của "ông Thản" khoảng 28 – 29 triệu/m2 (đã có VAT) nhưng phải đóng tiền trong 5 đợt. Cũng như những dự án khác của đại gia nay, vấn nạn tiền chênh vẫn xảy ra, ở mức từ 100-250 triệu đồng/căn ki-ốt, thậm chí dân môi giới còn đồn thổi giá chênh lên cả tỷ đồng.
- 0
- By Admin
- 13/03/2015
- 17