Thỏa thuận lãi suất trung, dài hạn: Cơ hội cho bất động sản, chứng khoán
NH được thỏa thuận lãi suất với khách hàng khi
cho vay vốn trung, dài hạn và mục đích tiêu dùng. Ảnh: T.Đạm
cho vay vốn trung, dài hạn và mục đích tiêu dùng. Ảnh: T.Đạm
Trước kia dòng vốn vào các kênh này bị tắc khi NH Nhà nước chỉ cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận với trường hợp có nhu cầu thật sự về nhà ở và nguồn thu nhập để trả nợ từ lương, nhưng nay có thể mở ra cho nhà đầu tư.
Lãi suất thỏa thuận trên 16%/năm
Tại Sacombank, khách vay là doanh nghiệp lãi suất mềm hơn, khoảng 15% nếu vay để đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Mức lãi suất còn tùy thuộc vào hiệu quả của dự án cũng như các dịch vụ mà doanh nghiệp sử dụng của NH.
Với khách hàng cá nhân, lãi suất vay khoảng 16-17%/năm. Tại NH Việt Á, lãi suất cho vay cá nhân từ 16%/năm trở lên, tùy theo từng khách hàng. Ở NH An Bình, lãi suất cho vay cá nhân từ 17,5-18,5%/năm.
Giải thích về mức lãi suất trên, đại diện nhiều NH cho biết lãi suất huy động, gồm cả khuyến mãi là trên 12%/năm, cộng với các chi phí khi cho vay 3-3,5% mới đảm bảo NH có lãi, tính ra lãi suất vay phải từ 16%/năm trở lên.
Tuy nhiên, các NH cũng cho biết không phải khách hàng nào cũng phải vay với lãi suất cao, sẽ có những khách hàng có mức lãi vay thấp hơn. Mức lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào lãi suất huy động và nguồn vốn mà NH huy động được. Hiện chỉ có một số NH quy mô lớn có rủng rỉnh vốn thu hồi từ thị trường liên NH để cho vay.
Thống kê của NH Nhà nước TP.HCM cho thấy trong tháng 2-2010, huy động vốn giảm 1,3% kéo dư nợ cho vay giảm 0,35%. Tuy nhiên, các NH cũng kỳ vọng trong tháng 3-2010 nguồn vốn huy động sẽ dồi dào hơn.
Tính toán cho vay
Ngay sau khi NH Nhà nước cho áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản cho vay trung và dài hạn, nhiều NH đã bắt tay vào thiết kế các sản phẩm cho vay theo quy định mới.
Ông Hồ Xuân Nghiễm, phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết khách hàng có nhu cầu vay vốn trung, dài hạn rơi vào các nhóm sau: với khách hàng doanh nghiệp là để đầu tư dự án, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất.
Với cá nhân chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng như vay mua nhà, đất hoặc sửa sang nhà cửa, mua sắm xe. Số ít là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ vay trả góp.
Tổng giám đốc một NH cổ phần tại quận 1, TP.HCM cho biết sản phẩm cho vay trung, dài hạn sẽ thiên về nhu cầu cho vay cá nhân, đặc biệt là kênh bất động sản và vay tiêu dùng.
Sau thời gian hạn chế tối đa, nhiều NH đã trở lại cho vay tiêu dùng mua sắm nhà, xe với thời gian cho vay dài hơi, giá trị khoản vay cũng cao hơn. Như NH Quốc tế (VIB) cho vay mua xe Ford, tối đa lên đến 80% giá trị xe, dài nhất 8 năm, giải ngân 48 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ...
Cơ hội cho chứng khoán, bất động sản
Theo các chuyên gia, việc cho phép các NH thương mại áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận với các khoản vay trung, dài hạn không đơn thuần giải quyết vấn đề tắc vốn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc mở rộng hơn cơ chế cho vay này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển. Như vậy, các NH có quyền thiết kế các sản phẩm cho vay với mục đích kinh doanh dài hơi hơn, cũng không loại trừ nguồn vốn sẽ đổ vào thị trường bất động sản, chứng khoán.
Thời gian qua, thị trường bất động sản trầm lắng một phần do NH chỉ khuyến khích cho vay với các nhu cầu nhà ở thật sự. Khi được cho vay với thời gian dài, cũng có nghĩa người vay có thể nắm giữ chứng khoán, bất động sản dài hơn là phải lướt sóng như hiện nay.
Thông qua cho vay trung, dài hạn sẽ mở ra cơ hội đầu tư dài hơi vào chứng khoán, bất động sản bằng vốn vay của NH cho một số nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng một khi NH Nhà nước đã mở đầu ra thì tất yếu NH sẽ biết hướng đồng vốn vào đâu cho hiệu quả.
Theo ông Thành, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung, dài hạn chỉ mới là bước thăm dò. Trong thời gian tới khi NH Nhà nước thực hiện những bước điều chỉnh tiếp theo, dòng vốn trên thị trường sẽ thông thoáng hơn, không ít thì nhiều thị trường bất động sản, chứng khoán sẽ sôi động hơn.
Không lo “bong bóng”
Theo các chuyên gia, không lo bong bóng chứng khoán, bất động sản khi NH mở ra cho vay kênh này do hiện NH Nhà nước vẫn ràng buộc tỉ lệ cho vay trung, dài hạn không được vượt quá 30% vốn ngắn hạn. Thêm vào đó, các NH cũng phải cân nhắc vì vốn cho vay chứng khoán không được vượt quá 20% vốn điều lệ. |
Theo Tuổi Trẻ
- 264
- By Admin
- 03/03/2010
- 17