Thiếu rõ ràng trong quy hoạch cũng là nguyên nhân khiến dân sợ thủ tục hành chính
>> Doanh nghiệp "khóc dở, mếu dở" với thủ tục hành chínhThực tế, công tác quản lý đất đai trải qua nhiều thời kỳ chính sách pháp luật khác nhau, quản lý yếu kém, để xảy ra nhiều vụ lấn chiếm, tranh chấp nên việc đầu tiên trong xét cấp "sổ đỏ" là xác định nguồn gốc đất đã gặp không ít khó khăn.
Các cuộc làm việc của Đoàn thanh tra liên ngành về CCHC của TP cũng cho kết quả, địa chính là thủ tục còn nhiều nơi chưa thực hiện theo cơ chế "một cửa" nhất, là thủ tục mà người dân chịu cảnh "thời gian cao su" nhiều nhất. Hoặc có nơi lại làm theo kiểu "bình mới rượu cũ": Đưa cán bộ địa chính xuống trực "một cửa", nhận hồ sơ của dân rồi giải quyết luôn. Thành thử, chỉ khác mỗi chuyện là trước đây dân nộp hồ sơ cho cán bộ địa chính ở phòng chuyên môn, thì nay nộp, rồi cũng nhận từ cán bộ ấy ở "một cửa"!
Việc các thủ tục hành chính về đất đai thường không giải quyết đúng hẹn cho dân ngoài những nguyên do chủ quan về năng lực, trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ, sự quan tâm chưa sâu sát của lãnh đạo các đơn vị, còn có những nguyên nhân được ví như "bất khả kháng".
Đơn cử như qui định về thực hiện "một cửa" trong giải quyết các thủ tục này cũng thiếu đồng nhất. Nếu theo Luật Đất đai thì hồ sơ xét cấp "sổ đỏ" sẽ được nộp ở Văn phòng đăng ký nhà và đất cấp huyện, nhưng theo Quyết định 93/2006/QĐ-TTg và văn bản số 156 ngày 13/1/2010 của Bộ Nội vụ thì hồ sơ lại được nộp ở Bộ phận "một cửa" cấp quận, huyện... Việc "tùy nghi" áp dụng qui định này cũng khiến cho thời gian nhận, trả hồ sơ không đồng nhất, nhiều nơi cho rằng Văn phòng đăng ký nhà và đất làm "một cửa" nhanh hơn Bộ phận "một cửa" của UBND.
Dù có Bộ phận "một cửa" nhưng cuối năm 2010 phường Tương Mai, quận Hoàng Mai vẫn nhận hồ sơ địa chính tại bộ phận chuyên môn |
Khi làm việc với lãnh đạo UBND TP về việc chậm trễ trong cấp "sổ đỏ" ở quận Thanh Xuân, ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch quận đã nêu lên một thực trạng: "Phường cứ trình hồ sơ lên quận là coi như xong, khi quận trả hồ sơ về không quan tâm nữa, không trả lời kịp thời nên dân bức xúc. Cán bộ địa chính nhiều người xử lý hồ sơ lúng túng, có hồ sơ quận trả về cũng không vào sổ. Hồ sơ địa chính nhiều nơi không cập nhật biến động đất đai nên khi xét cấp giấy chứng nhận mất rất nhiều thời gian...".
Thực tế, công tác quản lý đất đai trải qua nhiều thời kỳ chính sách pháp luật khác nhau, quản lý yếu kém, để xảy ra nhiều vụ lấn chiếm, tranh chấp nên việc đầu tiên trong xét cấp "sổ đỏ" là xác định nguồn gốc đất đã gặp không ít khó khăn. Khi xác định nguồn gốc đất, chính quyền phải căn cứ trên các quy định và giấy tờ pháp lý, song không phải hộ gia đình nào cũng có đủ giấy tờ nên tốn thêm thời gian cho việc xác định các căn cứ này. Nhiều trường hợp rơi vào quy hoạch mở đường, thuộc phạm vi dự án nhưng đang bị "treo" hoặc đang có khiếu kiện, tranh chấp, hay đất thuộc diện đất lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc có nguồn gốc cấp trái thẩm quyền...
Một vấn đề lớn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở Hà Nội là đụng chạm tới quy hoạch xây dựng. Có những khu vực được quy hoạch khá lâu nhưng chưa triển khai hay dự án "treo"... Sự thiếu rõ ràng, thống nhất trong qui hoạch này ảnh hưởng nhiều tới tiến độ cấp giấy chứng nhận và hiện thành phố đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy hoạch, dự án "treo", đặc biệt là trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý đất đai. Một khó khăn được xem là "ngày càng phức tạp" nữa là tranh chấp đất đai không còn đơn thuần giữa các cá nhân, hộ gia đình "xa lạ", mà ngay trong nội bộ một gia đình, bố mẹ, con cái, anh em cũng có tranh chấp, gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định nguồn gốc đất.
Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, TP còn tới 27.300 trường hợp đã kê khai, đăng ký xin cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 60/CP nhưng chưa đủ điều kiện để cấp (do nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng hoặc lấn chiếm đất công, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm pháp luật đất đai...). Đồng thời, toàn TP cũng còn khoảng 15.000 hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61/CP đang tồn đọng, chờ tới lượt được cấp giấy chứng nhận. Đây hầu hết là những hồ sơ được xếp vào diện "khó".
Theo chỉ đạo của UBND TP, UBND 18 quận, huyện Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm, Sóc Sơn, Từ Liêm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Mỹ Đức, Mê Linh và thị xã Sơn Tây tổ chức thanh tra về thực hiện công vụ và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc cấp sổ đỏ từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2010 tại các xã, phường, thị trấn, phòng TN&MT và VPĐKĐVN của quận, huyện, thị xã, xong trước ngày 15/6/2011. Đồng thời, thể hiện quyết tâm CCHC, các cơ quan Sở Nội vụ, Sở Tư pháp cũng thường xuyên tổ chức thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót cũng như nhân rộng các mô hình làm tốt.
(Theo PL&XH)
- 0
- By Admin
- 21/05/2011
- 17