Thiếu đồng thuận, Các dự án FDI lớn tại Tp.HCM chậm tiến độ
Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) của Berjaya sau mấy năm triển khai vẫn chưa rõ hình hài. Ảnh: Hải Âu |
Một trong những dự án bất động sản có quy mô lớn tại Tp.HCM đang vướng trong đàm phán với Thành phố là Dự án Khu đô thị đại học quốc tế – VIUT (huyện Hóc Môn), do Công ty Berjaya Leisure (thuộc Tập đoàn Berjaya Corporation Bhd, Malaysia) làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD.
Nếu năm 2010, chủ đầu tư mới được UBND Tp.HCM và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Khu đô thị Tây Bắc giao 200 ha đất, thì diện tích này trong năm nay đã tăng lên 500 ha. Xét về tiến độ, chủ đầu tư VIUT cho biết, họ đang triển khai khu tái định cư của Dự án, nhưng hiện vẫn chờ quyết định cuối cùng của UBND Thành phố về giá. Theo ông Mor Chun Lin, Trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn Berjaya tại Việt Nam, hiện Công ty đã chuyển kinh phí cho Thành phố để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Ý định của Thành phố là muốn chủ đầu tư phải hoàn chỉnh khu 500 ha, trong khi phía Berjaya lại muốn được làm trước 180 ha (đất sạch). “Nếu để hoàn tất 500 ha, thì chắc chắn, phải mất nhiều thời gian nữa mới bắt đầu được việc xây dựng”, ông Mor Chun Lin cho biết. Trong khi đó, với 180 ha, Berjaya có thể triển khai ngay việc xây dựng cơ sở hạ tầng, căn hộ với mức giá trung bình…, để đưa hàng ra thị trường.
Lập luận về kế hoạch triển khai dự án trên diện tích 180 ha trước, đại diện Berjaya cho rằng, để hoàn thành 500 ha ở giai đoạn hiện nay là không đơn giản, bởi những khó khăn mà các chủ đầu tư đang đối mặt như lạm phát, lãi suất cao, khó tiếp cận vốn vay…
Cùng với dự án 3,5 tỷ USD trên, Berjaya còn là “chủ nhân” của Dự án Trung tâm tài chính quốc tế – VFC (quận 10, Tp.HCM, do Công ty TNHH Trung tâm Tài chính Việt Nam Berjaya làm chủ đầu tư), với tổng vốn đầu tư lên đến 900 triệu USD.
Tham gia từ năm 2007, nhưng hiện VFC vẫn chưa có “hình hài” rõ rệt. Giải thích về nguyên nhân trì hoãn này, đại diện Berjaya cho rằng, họ phải mất 14 lần thay đổi thiết kế và liên tục làm việc với các sở, ban, ngành của Thành phố để thống nhất quy hoạch chi tiết 1/500. Mặt khác, những quy định liên quan đến vấn đề đất đai, chiều cao xây dựng… có nhiều thay đổi, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh và điều này đã tác động đến tiến độ Dự án.
“Hiện công tác rà phá bom mìn tại Kỳ Hòa đã hoàn tất. Nếu Bộ Xây dựng sớm chấp thuận, Dự án sẽ được khởi động trong quý III, hoặc quý IV năm nay”, ông Mor Chun Lin nói và cho biết, hiện Berjaya mới đạt được thỏa thuận về dịch vụ với Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT), trong khi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì vẫn đang đàm phán.
Riêng về nguồn tài chính cho VFC, ông Mor Chun Lin cho rằng, với những dự án lớn, ngoài vốn vay ngân hàng, chủ đầu tư đã huy động thêm từ các quỹ tài chính quốc tế, các nhà đầu tư, trong đó có khá nhiều nhà đầu tư Việt Nam tham gia.
Không vướng nhiều thủ tục như trường hợp của Berjaya, Dự án Khu y tế kỹ thuật cao Tp.HCM (tổng vốn gần 1 tỷ USD, tọa lạc tại quận Bình Tân), do Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La (Liên doanh giữa Công ty Dịch vụ Hoa Lâm, Việt Nam và Công ty Shangri-La Healthcare Investment, Singapore) làm chủ đầu tư xem ra suôn sẻ hơn trong quá trình triển khai.
Nhận xét về tiến độ dự án trên, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết, hiện chủ đầu tư đang triển khai Bệnh viện Đa khoa quốc tế Việt Nam (quy mô 500 giường) theo đúng cam kết. “Việc ký hợp đồng quản lý với tập đoàn y tế tư nhân Parkwayhealth (Singapore) là minh chứng khẳng định thêm mục đích nghiêm túc của chủ đầu tư Dự án Khu y tế kỹ thuật cao Tp.HCM”, bà Hoà nhấn mạnh.
(Theo VIR)
- 0
- By Admin
- 15/04/2011
- 17